Vào chiều 10/5, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã bế mạc. Các vấn đề được Ban chấp hành Trung ương thảo luận và quyết nghị tại Hội nghị lần này đều là những vấn đề lớn, quan trọng, được đánh giá là đúng, trúng, được đảng viên và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước ta cơ bản đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và quá trình mở cửa khôi phục kinh tế xã hội đang được đẩy mạnh. Trong 6 ngày làm việc, Hội nghị đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, quan trọng nhất phải nhắc đến đó là chủ trương của Đảng đối với vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, và phát triển kinh tế tập thể, hay thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thẳng thắn nhìn vào thực tiễn, quyết định những chủ trương, định hướng lớn đối với sự phát triển của đất nước của Đảng ta qua Hội nghị này đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong một bối cảnh mới.
Trong 6 ngày làm việc, Ban chấp hành Trung ương đã nhất trí thông qua 4 Nghị quyết quan trọng. Đó là Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới"; Và Nghị quyết về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới".
Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thống nhất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo dõi những vấn đề được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và quyết nghị tại Hội nghị lần này, nhiều ý kiến cho rằng đây đều là những vấn đề lớn, cốt lõi và hết sức quan trọng. Đó cũng là những vấn đề nóng, không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn mang tính chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.
Nhìn lại Hội nghị lần này, có thể thấy, đất đai là nội dung được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình phát triển của đất nước, chủ trương, cơ chế, chính sách về đất đai đã không ngừng được Đảng, Nhà nước hoàn thiện, và có những kết quả rất tích cực. Thế nhưng, ngược lại, vẫn còn không ít những lỗ hổng trong lĩnh vực này.
Chính điều này cũng đã được nhận định một cách rất thẳng thắn trong cả phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trung ương không chỉ đánh giá thẳng thắn những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý đất đai, chỉ rõ đây là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng tiêu cực thời gian qua. Trên cơ sở nhìn thẳng vào những tồn tại, cùng với khẳng định tiếp tục thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai; Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đề ra những định hướng quan trọng để khắc phục như coi quyền sử dụng đất đai là một loại tài sản đặc biệt; sớm sửa luật đất đai; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương chủ trương kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh gần 70% vụ việc khiếu kiện vừa quan là liên quan đến đất đai, nhiều vụ tham nhũng tiêu cực vừa qua cũng liên quan đến đất đai, nhiều ý kiến cho rằng những quyết sách được Ban chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những quyết sách này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý, hạn chế được tiêu cực mà còn khơi thông được các nguồn lực từ đất đai phục vụ sự phát triển đất nước.
Cũng tại Hội nghị, Ban chấp hành Trung ương đã đề ra những quyết sách quan trọng đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể. Hiện, 70% dân số Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nông thôn, gắn với nông nghiệp. Đó là một trong những nguyên nhân đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Nông nghiệp cũng là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn. Thế nhưng, đời sống của người nông dân lại chưa cao. Có nơi, có chỗ, người nông dân phải ly nông, ly hương. Bởi vậy, sự quan tâm của Trung ương đối với vấn đề tam nông, hay phát triển kinh tế tập thể là rất đúng, trúng vào thời điểm hiện nay. Bên cạnh những vấn đề kinh tế xã hội, công tác xây dựng đảng cũng được Trung ương chú trọng với phương châm phát triển đảng viên - thà ít mà tốt, hay nhất trí chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII với những chủ trương lớn, sát với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vào thời điểm hiện nay, đã giúp tạo khí thế, niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước vươn lên trong chặng đường sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!