Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự
Sáng 20/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Theo tờ trình, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đến nay, hồ sơ dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, mục đích xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.
Pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều với một số nội dung cơ bản như sau:
Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn và hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.
Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.
Quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được bố trí địa điểm, nơi làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; giải quyết trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.
Cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
"Thực tế hiện nay, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, Bảo vệ dân phố, Dân phòng là một đòi hỏi tất yếu" – ông Tới nhấn mạnh.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 4), Ủy ban QPAN cho rằng, xuất phát từ vị trí, chức năng của lực lượng này là tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nên việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với các tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Điều 4.
Điều 4 của dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như sau:
Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, có đơn tự nguyện tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính; trường hợp đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được xoá án tích, hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung học phổ thông do cơ quan có thẩm quyền cấp. Những nơi không có đủ người có tiêu chuẩn trung học phổ thông thì có thể xét chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở để tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
c)Đã đăng ký thường trú hoặc có thời hạn tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi cá nhân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
d) Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Mục 1 Chương III), một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn tính khả thi về mô hình tổ chức, số lượng người tham gia tùy vào yêu cầu thực tế tình hình ANTT ở cơ sở để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không lãng phí nhân lực.
Ủy ban QPAN nhất trí với quy định tại Mục 1 Chương III, đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức (Chương IV), một số ý kiến cho rằng, Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động còn Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý về xây dựng, tuyển chọn, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này.
Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với dự thảo Luật quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng TGBVANTT ở cơ sở; đồng thời, tiếp tục rà soát nội dung cụ thể về trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để tiếp thu cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý và khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!