Phát huy nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội

VTV News-Thứ ba, ngày 21/03/2023 19:56 GMT+7

Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo là các lãnh đạo Thành ủy cùng các chuyên gia, nhà khoa học uy tín. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

VTV.vn - Sáng 21/3, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã dự hội thảo khoa học nhằm phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Lãnh đạo thành phố đã lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Hội thảo được tổ chức sau khi Hà Nội là một trong số những tỉnh thành đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa.

Hà Nội được biết đến là "Thành phố di sản" với gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 1.000 lễ hội, gắn liền với những câu chuyện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lãnh đạo Hà Nội khẳng định sẽ dành nguồn kinh phí và ưu tiên mọi nguồn lực để phát huy giá trị văn hóa của thủ đô.

* Nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Với 1.000 năm tuổi, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình. Hà Nội tự hào là "Thành phố di sản" với hệ thống 5.922 di tích văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có nhiều di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Phát huy nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Đại biểu tham quan Không gian văn hóa trải nghiệm bên lề Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Hà Nội còn là "đất trăm nghề" với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống cùng hơn 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng...

Xác định phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển Thủ đô, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.

Phát huy nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao, hoạt động có tính chuyên nghiệp. Dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, cùng với cả nước, Thủ đô đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 17. Năm 2023, thành phố triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, là: xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; lập Quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây cũng là cơ hội quan trọng để nhìn nhận, đánh giá tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

* Giải pháp khai thác tối đa nguồn lực văn hóa

Tại hội thảo, các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đề xuất, sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn; trong đó, tập trung xây dựng, phát triển, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Phát huy nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 3.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp huy động nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Các ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học sẽ là cơ hội quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ban, ngành thành phố trong triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, phát huy mạnh mẽ truyền thống ngàn năm văn hiến, tinh thần chủ động sáng tạo.

Tại đây, Ban tổ chức đã thiết kế 3 không gian gồm: Không gian chính của hội thảo; Không gian trải nghiệm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội (sản phẩm nghề truyền thống, ấn phẩm văn hóa Hà Nội) và Không gian văn hóa ẩm thực Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước