Ngày 13/7, Đoàn kiểm tra của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về công tác cải cách hành chính và chính sách dân tộc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện và tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác cải cách hành chính đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, Vĩnh Phúc điều tra, khảo sát sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công. Qua khảo sát, mức độ hài lòng trung bình của các dịch vụ công đạt trên 80%. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã áp dụng nhiều sáng kiến về cải cách hành chính, điển hình là phần mềm ứng dụng dùng chung (tỉnh, huyện, xã liên thông) cho Bộ phận một cửa các cấp. Từ năm 2015 đến nay, Hội đồng thẩm định Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đã thẩm định và công nhận 157 sáng kiến tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ban hành đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đạt được hiệu quả cao khi triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cải cách thủ tục hành chính như: Tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết của 825 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính chậm.
Trong ảnh: Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại buổi làm việc.
Từ năm 2011 đến năm 2020, các sở, ngành đã tham mưu với HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung bãi bỏ hoặc ban hành theo thẩm quyền 593 thủ tục hành hành chính, đánh giá tác động 42 văn bản quy phạm pháp luật, quy định 83 thủ tục hành chính liên quan các lĩnh vực thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của tỉnh...
Tỉnh đã sử dụng phần mềm Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; phối hợp với Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc kết nối liên thông giữa phần mềm một cửa hành chính công và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để thực hiện tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; chuyển kinh phí thi đua khen thưởng đối với tập thể và cá nhân được khen thưởng qua tài khoản (không nhận tiền mặt); cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được trên các mặt về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt kết quả triển khai công tác cải cách hành chính, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội và tâm lý, đời sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành trên cơ sở đảm bảo việc gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tình hình thời tiết bất thường, chăn nuôi chưa phục hồi do dịch tả lợn châu Phi…, tăng trưởng kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề.
Tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 35,44 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 13,7 ngàn tỷ đồng, bằng 40% dự toán và chỉ bằng 84% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư FDI bằng 32,1% và vốn DDI bằng 51,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng hầu hết các sản phẩm chủ yếu như ô tô, xe máy, gạch ốp lát, quần áo và doanh thu linh kiện điện tử đều giảm so với cùng kỳ năm 2019...
Về cải cách hành chính, năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc tăng 4 bậc về Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh nằm trong nhóm có điểm số cao nhất. Tỉnh xác định công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Vĩnh Phúc đã triển khai áp dụng thực hiện nhiều giải pháp triển khai đồng bộ mang lại hiệu quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, như: Tăng cường thực hiện các giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh cải cách quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện của 825 thủ tục hành chính; kiện toàn và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hiệu quả; Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh quan tâm tổ chức triển khai, trong đó 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet; Việc liên thông với UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành được thực hiện qua trục liên thông văn bản quốc gia...
Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy lực lượng này đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong công tác đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở nơi mình sinh sống; làm tốt công tác tuyên truyền để khắc phục được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở; tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội cơ bản được ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy vậy, một số cơ quan, đơn vị, địa phương người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách hành chính. Việc công bố thủ tục hành chính tại địa phương có lúc còn chậm...
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần Sân bay quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phải phát huy được các tiềm năng, thế mạnh lớn của Vĩnh Phúc trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Cùng với đó, tỉnh cần gắn cải cách hành chính, thực hiện các chính sách dân tộc với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30 tháng 10 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!