Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng AIPA-42, Phiên họp Ủy ban Xã hội đã diễn ra vào chiều 24/8. Đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên đều nhất trí cho rằng, biến đổi khí hậu đang là một thách thức lớn đối với toàn cầu, vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng. ASEAN đang là khu vực có sự tăng trưởng kinh tế tốt, nhưng cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, do đó cần có sự hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực hơn.
Các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tạo ra những cơ chế phù hợp để có thể xử lý các vấn đề khí hậu trực tuyến; cùng nhau hành động thực chất, đưa ra những chiến lược hợp tác với lộ trình, công cụ hữu hiệu để vượt qua những thách thức này.
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu
Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc các điều ước và thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu.
Tham gia thảo luận về nội dung này, Đoàn Việt Nam khẳng định luôn coi trọng tăng cường hợp tác có trách nhiệm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều luật, nghị quyết, quy định lồng ghép các chính sách, cơ chế, thông qua ngân sách, thực hiện các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu.
Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, phục vụ cho mục tiêu quản lý "không gian phát triển" của đất nước. Tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu.
Từ thực tiễn hoạt động của Việt Nam và đứng trước những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam cho rằng cần phải có giải pháp tăng cường hợp tác có hiệu quả hơn nữa để góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cùng với việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hệ sinh thái để khôi phục, cải thiện và duy trì các hệ sinh thái chống chịu biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần phải đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo ra tác dụng kép cho nền kinh tế, vừa cắt giảm khí thải, vừa trợ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu
Tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22 và 23/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của Hành động Khí hậu".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là một nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó có giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện và đang triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ quan điểm của nhiều nước về các lợi ích của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải bằng không, đặc biệt là về cơ hội tạo việc làm, bảo đảm an ninh năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế, song cũng nhấn mạnh các nước đang phát triển còn gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi do khó khăn về nguồn vốn và công nghệ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quá trình chuyển đổi phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, không để ai "bị bỏ lại phía sau"; kêu gọi các nước phát triển tiếp tục đi đầu về giảm phát thải và tăng cường hỗ trợ về tài chính, công nghệ, năng lượng xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, chất lượng cao gắn với tạo thêm nhiều việc làm cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch nước cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu khí hậu cần phù hợp với điều kiện của từng nước và được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia.
Cần quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!