Thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong trái tim một thế hệ "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và cả sau này những thế hệ được hưởng hòa bình, tự do.
Tuyên ngôn Độc lập - Những xúc cảm còn mãi
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN
"Chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". - Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn.
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, 6 chữ thiêng liêng đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của hàng triệu người con Việt Nam để làm nên buổi lễ tuyên bố lập nước đầu tiên trong lịch sử đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa. Khoảnh khắc đổi đời đã biến niềm tự hào, hạnh phúc của hàng chục vạn đồng bào có mặt tại quảng trường Ba Đình khi ấy thành lời hứa kiên quyết giữ nước mãi vang vọng cùng lời thề độc lập.
Dư âm của Tuyên ngôn cùng lời thề độc lập đã khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Trải qua bao nhiêu hy sinh gian khổ, thế hệ của lời thề độc lập đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà Tổ quốc giao phó, tái sinh hình hài một dân tộc "thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Tết Độc lập nhớ Bác
Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh
Ôi trái tim Người nặng nghĩa bốn phương
Vì độc lập tự do đường lên phía truớc rực màu cờ sao
Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh kính yêu,
Người là niềm tin tất thắng sáng ngời.
Tết Độc lập, nhiều người Việt Nam cùng nhớ về 1 người - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tết Độc lập năm nay diễn ra trong thời điểm hết sức đặc biệt, cả nước đang tập trung đẩy lùi dịch COVID-19. Nhiều hoạt động tri ân chủ tịch Hồ Chí Minh phải tạm hoãn. Nhưng với tình cảm thiêng liêng, người dân Nghệ An vẫn luôn hướng về Bác kính yêu trong ngày trọng đại của đất nước với những tình cảm thật ấm áp với niềm tin Bác luôn đồng hành cùng dân tộc ở những thời điểm khó khăn nhất.
Tết Độc lập năm nay đối với gia đình bà Thành ở xóm Hồng Liên xã Kim Liên hết sức đặc biệt. Quả bưởi trong vườn, lễ vật đơn sơ được gia đình chuẩn bị để dâng lên bàn thờ Bác.
Những năm trước, vào ngày Tết Độc lập, gia đình thường chuẩn bị lễ vật trên bàn thờ Bác đầy đủ, chu đáo nhưng năm nay do dịch COVID-19, huyện Nam Đàn đang trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 nên gia đình bà Thanh cũng như nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn huyện đã ở nhà để phòng chống dịch.
Đối với đồng bào Thái ở huyện miền núi Quỳ Hợp, ngoài bàn thờ tổ tiên, hầu như nhà nào cũng lập bàn thờ Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất. Đón Tết Độc lập năm nay, già làng Sầm Thanh Minh ở Bản Nhang Thắm, xã Châu Cường chuẩn bị khá đầy đủ lễ vật pheo phong tục của người Thái để dâng lên bàn thờ Bác. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên Tết Độc lập chỉ gói gọn trong gia đình, đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội.
Tại khu di tích Kim Liên, trong những ngày đóng cửa thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, Ban quản lý Di tích vẫn bố trí cán bộ, nhân viên thường xuyên chăm sóc khuôn viên, bảo vệ khu di tích. Đặc biệt, Tết Độc lập năm nay, Khu di tích Kim Liên đã chuẩn bị những thứ quả ngon nhất, đẹp nhất trong vườn để dâng lên Bác với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn.
Tết độc lập năm nay diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Nhưng trong hoàn cảnh nào, triệu người dân Việt Nam vẫn luôn hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với một lòng thành kính và tình cảm thiêng liêng nhất. Người mãi là niềm tin để quê hương Nghệ An phát huy tinh thần Tuyên ngôn Độc lập, đoàn kết một lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Người nghệ sĩ hơn 30 năm đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đến lúc này, đối với phần lớn người dân Việt Nam, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu được khắc họa qua những thước phim tư liệu, những tác phẩm nghệ thuật, những người đã từng được trực tiếp gặp Bác không còn nhiều và cũng đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi.
Để giúp cho những hình dung ấy được rõ nét nhất, không thể không kể đến sự cố gắng, nỗ lực của những nghệ sĩ đã từng thể hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những nghệ sĩ đã thể hiện thành công nhất vai diễn ấy là Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi. Hơn 30 năm kể từ vai diễn đầu tiên, đến nay, ông đã có tới hơn 1.000 lần được vinh dự đóng vai Bác Hồ.
Mỗi khi được xem, được nghe những tác phẩm về Người, mỗi người Việt Nam lại thêm thấm những tư tưởng mà Bác để lại. Người đã từng khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà… Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta".
Tư tưởng về tinh thần đại đoàn kết một lần nữa lại sáng lên thật rõ nét trong những ngày dân tộc đang cùng nhau kiên cường chống dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!