Tham luận tại Đại hội XIII thể hiện trách nhiệm cao, đề xuất nhiều giải pháp lớn

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 28/01/2021 20:07 GMT+7

VTV.vn - Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững… nhiều giải pháp đã được các đại biểu đề xuất tại phiên thảo luận góp ý vào các văn kiện Đại hội.

Sáng 28/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục thảo luận góp ý vào các văn kiện của Đại hội. Các đại biểu nhất trí cao với nội dung các văn kiện, khẳng định các văn kiện được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, dân chủ, khoa học, kết tinh, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện được ý đảng, lòng dân, hào khí dân tộc, ý chí, sức sáng tạo cũng như khát vọng mạnh mẽ phát triển đất nước.

Từ thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo từ các địa phương, đơn vị, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bao trùm và bền vững của đất nước.

Nhấn mạnh thành tựu đất nước đạt đươc 35 năm đổi mới đã tạo nên nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống. Để tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu phát triển bền vững, các đại biểu đề nghị cần thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của ngành công nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp nòng cốt, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Một số đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đối với việc phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang tác động tiêu cực đến quá trình phát triển, cần tháo gỡ những nút thắt về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt là hạ tầng để tạo động lực mới cho sự phát triển. Cùng quan điểm này, đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề xuất nhiều giải pháp để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long bền vững.

Tham luận tại Đại hội XIII thể hiện trách nhiệm cao, đề xuất nhiều giải pháp lớn - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi (Ảnh: VGP)

Ông Phan Văn Mãi đề xuất: "Rất mong các Bộ, ngành chức năng của Trung ương xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế, chính sách để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của mình. Trong đó, chúng tôi đề nghị quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho đồng bằng sông Cửu Long. Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long như hạ tầng thủy lợi, cấp nước, hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị có cơ chế đầu tư phát triển tuyến giao thông động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang".

Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, một số đại biểu đề nghị chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.

Theo ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Đại biểu Đại hội XIII: "Văn kiện Đại hội trình Đại hội 13 đã xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững. Tỉnh ủy Yên Bái đúc rút một số bài học kinh nghiệm như phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể trung tâm của hoạt động giảm nghèo. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân nghèo phát huy tính tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chương trình giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ với chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung hỗ trợ mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo".

Tham luận tại Đại hội XIII thể hiện trách nhiệm cao, đề xuất nhiều giải pháp lớn - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên thảo luận các văn kiện đại hội tại hội trường, sáng 28/1 (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi tham luận góp ý vào các văn kiện Đại hội hôm nay, các đại biểu cũng tiếp tục đề xuất cần đẩy mạnh cải cách hành chính, bộ máy. Đây là một trong 3 khâu đột phá để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, bộ máy

Theo một số đại biểu, kết quả cải cách hành chính trong thời gian vừa qua đã tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa.

Cũng trong giai đoạn này, các chỉ số đo lường, đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp.

Tham luận tại Đại hội XIII thể hiện trách nhiệm cao, đề xuất nhiều giải pháp lớn - Ảnh 3.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tham luận (Ảnh: TTXVN)

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Đại biểu Đại hội XIII cho biết: "Nhìn lại 5 mục tiêu của cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra cụ thể là: Một, giải phóng lực lượng sản xuất, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Hai là, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp. Ba là, xây dựng các cơ quan hành chính nhà nước thông suốt trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Bốn là, bảo đảm trên thực tế quyền làm chủ của nhân dân. Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu".

"Tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước nhiều năm liên tục, từ đó tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn, nguồn động lực tạo đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong những năm vừa qua. Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, đảm bảo hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành" - ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, 2045 trở thành một nước phát triển, thu nhập cao như các văn kiện đề ra, theo các đại biểu, trong giai đoạn tới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Gắn thực thi nêu gương với chỉnh đốn Đảng

Cũng trong sáng nay, góp ý vào các văn kiện của Đại hội XIII, nhiều đại biểu cũng bày tỏ đồng thuận với văn kiện khi chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp. Có ý kiến tâm huyết đề nghị lãnh đạo chủ chốt các cấp, cần gương mẫu trong ứng xử và việc làm cụ thể theo tinh thần "việc gì có lợi cho cơ quan, tổ chức, cho Đảng phải làm kiên quyết và đi đâu làm gì cũng phải với tinh thần là "không nói không khi khó" và "không nói có mà không làm".

Tham luận tại Đại hội XIII thể hiện trách nhiệm cao, đề xuất nhiều giải pháp lớn - Ảnh 4.

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm (Ảnh: VGP)

Với chủ đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", tham luận của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương chỉ rõ: Nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, từ đó đã có những đổi mới, tạo chuyển biến tích cực.

Một trong những phương thức quan trọng của công tác xây dựng Đảng là kiểm tra, giám sát. Thường xuyên làm tốt công tác này sẽ phát huy được những ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên.

Từ thực tiễn tại Đà Nẵng cho thấy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Muốn vậy, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của người đứng đầu cấp ủy.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ cán bộ đảng viên nhất là người đứng đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Đại hội XIII: 36 đại biểu tham luận về dự thảo các văn kiện Đại hội Đại hội XIII: 36 đại biểu tham luận về dự thảo các văn kiện Đại hội

VTV.vn - Sau 1,5 ngày tham luận về dự thảo các văn kiện Đại hội tại Đại hội XIII của Đảng, có 36 đại biểu phát biểu tham luận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước