Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu trước mối đe dọa sống còn

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 11/01/2021 21:19 GMT+7

VTV.vn - Sau 5 năm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống, Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển từ chống chịu sang ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo cảnh báo từ các chuyên gia khí tượng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chìm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng. Cùng với đó là nước biển dâng khoảng 3mm/năm. Mối đe dọa có tính sống còn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hiện hữu. Trước thách thức này, Đại hội XII của Đảng đã chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng chống, hạn chế tác động của lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng đối với khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng này.

5 năm qua, thực hiện chủ trương này, nhiều công trình, dự án ngăn mặn, chống sạt lở đã được đầu tư đưa vào sử dụng và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân của các địa phương.

Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu trước mối đe dọa sống còn - Ảnh 1.

Công trình kè chắn sóng ở đê biển Tây

Nhờ công trình kè chắn sóng ở đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau, hàng ngàn hộ dân cùng diện tích canh tác rộng lớn được bảo vệ. Làm kè, bãi bồi bên trong được khôi phục, hàng ngàn ha rừng phòng hộ có điều kiện hồi sinh. Bằng nhiều nguồn vốn, đến nay tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây mới được hơn 25km kè ven biển và nâng cấp hơn 51 km.

Hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân ven biển trở nên bức thiết.

Hồ Kênh Lấp (Ba Tri, Bến Tre) là hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây được đầu tư bài bản vào đầu năm 2017. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh. Đưa vào khai thác từ mùa khô 2019, hồ có sức chứa gần 1 triệu m3 nước này đủ phục vụ cho khoảng 200.000 người, 13.000 ha đất canh tác của 24 xã, thị trấn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Cần Thơ đã chính thức là thành viên của "Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu" do Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) tài trợ. Với nguồn lực này, thành phố đã tập trung đầu tư các lĩnh vực hạ tầng và môi trường; kinh tế - xã hội; sức khỏe và phúc lợi. Từng bước Cần Thơ thực hiện vai trò dẫn đầu tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu tư thích đáng và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau 5 năm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống, Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển từ chống chịu sang ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nguồn lực đầu tư các công trình, dự án đã được bổ sung đáng kể. Riêng tổng vốn đầu tư hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương đã hơn 15.600 tỷ đồng, chưa kể các quyết định bổ sung. Nhờ đó các tỉnh thành đã giảm thiểu thiệt hại sản xuất nông nghiệp và dân sinh đáng kể. Rút kinh nghiệm từ năm 2016, cả hệ thống chính trị và nhân dân chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Tiêu biểu là thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp các công trình ứng phó hạn, mặn.

Thực tế cho thấy đây là những bài học quý giá để ứng phó hiệu quả hơn nữa với biến đổi khí hậu cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước