Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Thành công của kỳ họp thứ 2 khẳng định bước tiến trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới

Tạ Hiển-Thứ bảy, ngày 13/11/2021 12:33 GMT+7

VTV.vn - Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành công của kỳ họp khẳng định một Quốc hội ngày càng dân chủ, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Bước tiến trong xây dựng Quốc hội "Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm"

Sau 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 2 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Trước khi tiến hành Kỳ họp, Quốc hội đã dành phút mặc niệm đối với đồng bào đã tử vong, cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Thành công của kỳ họp thứ 2 khẳng định bước tiến trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Với quyết tâm đổi mới, tinh thần khẩn trương, tích cực cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa, Quốc hội đã thống nhất rất cao về các nội dung, thời gian, chương trình cũng như cách thức tổ chức Kỳ họp. Theo đó, kỳ họp được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là một kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội đồng tình và đạt kết quả tốt như: Chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp nhanh và đầy đủ kết quả thảo luận tổ…

Đối với đợt họp trực tiếp, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh được họp theo hình thức trực tuyến, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các vị đại biểu Quốc hội và góp phần vào thành công chung của Kỳ họp. Đây cũng là vấn đề chưa từng có tiền lệ (họp tập trung nhưng vẫn có 1 Đoàn họp trực tuyến), minh chứng cho sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Không khí làm việc của Quốc hội sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, xây dựng vào các nội dung của chương trình Kỳ họp. Đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường.

"Có thể nói, thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội "Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm", một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện tinh thần thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm với sự nghiệp phát triển chung của đất nước, đóng góp hiến kế cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, công cuộc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ trong phòng chống dịch

Về công tác phòng chống dịch, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết 30 của Quốc hội, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự ủng hộ, đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; các địa phương đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Công tác ngoại giao vaccine, cung ứng và tiêm chủng vaccine đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thành công của kỳ họp thứ 2 khẳng định bước tiến trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên bế mạc

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới bùng phát tại các cơ sở sản xuất, thương mại và trường học, cho thấy tình hình dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; không được để dịch bùng phát trở lại.

Quốc hội giao Chính phủ, trên cơ sở tổng kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và những bài học đắt giá đúc kết được, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, trong đó có kế hoạch phân bổ, sử dụng vaccine nói chung và cho người cao tuổi, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp việc tiêm vaccine cho trẻ em; xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ với những tình huống có thể còn phức tạp hơn so với thời gian trước đây.

Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch công khai, minh bạch, ngăn ngừa và xử nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công – tư trong công tác phòng, chống dịch.

Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng theo phương châm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" để bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác.

Khẩn trương xây dựng và thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH

Về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát, nhiều chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế được ban hành và thực hiện kịp thời, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã có một số chuyển biến tích cực.

Thành công của kỳ họp thứ 2 khẳng định bước tiến trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, sản xuất công nghiệp phục hồi; xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát; đầu tư nước ngoài được cải thiện; tỷ giá ổn định; lãi suất cho vay tiếp tục giảm, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp; các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao được thực hiện phù hợp với tình hình dịch bệnh; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được quan tâm; công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm; các hoạt động đối ngoại diễn ra thiết thực, hiệu quả; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, sức cầu nền kinh tế còn yếu; thu - chi ngân sách vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là ngân sách trung ương; phân bổ, giải ngân đầu tư công vẫn là điểm yếu chưa được tháo gỡ triệt để; công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong doanh nghiệp và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn không đạt mục tiêu đề ra; hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đang chậm lại, thị trường vốn trung và dài hạn còn rất hạn chế. Triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức; nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.

"Qua thảo luận, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan cả trong quản trị quốc gia, các cấp, các ngành và trong quản trị doanh nghiệp; phân tích, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức và đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực trên tinh thần bám sát, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp, nhiệm vụ, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước" - ông Vương Đình Huệ cho biết.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt để các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự nhất trí rất cao 02 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của Kỳ họp, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn; tiếp tục góp phần quan trọng thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thành công của kỳ họp thứ 2 khẳng định bước tiến trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, lần đầu tiên, Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để thảo luận, xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Qua 2,5 ngày tiến hành chất vấn với tổng số 170 lượt đại biểu phát biểu đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là "trúng và đúng", phù hợp thực tế, mong muốn của cử tri, được dư luận, đồng bào, Nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình.

Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn; đồng thời, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và các nội dung chất vấn.

Các thành viên Chính phủ thời gian qua đã có nhiều cố gắng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành, lĩnh vực được phân công, nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, cơ bản nắm vững tình hình về lĩnh vực được chất vấn, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, làm rõ vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp khắc phục nhận được sự đồng tình cao của đại biểu Quốc hội, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá tốt.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Để các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết vừa được thông qua; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những bất cập, hạn chế. Đề nghị các đại biểu Quốc hội báo cáo cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, Nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

"Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra đúng dịp Kỷ niệm 75 năm ngày ra đời Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ; trong đó, tư tưởng cốt lõi xuyên suốt là các giá trị dân chủ, pháp quyền, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Hơn 75 năm qua, Quốc hội các khóa luôn lấy đó làm tôn chỉ hoạt động. Quốc hội khóa XV sẽ tiếp nối, kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm đổi mới trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đồng thời tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước