Chiều 17/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị về Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Đánh giá về tình hình phát triển của Thanh Hóa trong 10 năm vừa qua, Bộ Chính trị đồng tình với nhận định Thanh Hóa đã phát huy tốt các lợi thế nên kinh tế tăng trưởng cao, đột phá với mức bình quân trên 10%, quy mô nền kinh tế tăng khoảng 4,5 lần so với cách đây 10 năm, thu ngân sách tăng đột phá, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm 5 tỉnh thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: TTXVN)
Hiện nay, tại Thanh Hóa, công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn, du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng được hình thành như Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân... an sinh xã hội được chăm lo, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, hoạt động bộ máy hành chính được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng - an ninh được tăng cường. Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp, còn có các dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị nhất trí cho rằng Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh, dân số đông thứ ba trong cả nước. Để phát triển Thanh Hóa nhanh, đột phá và bền vững hơn nữa, Bộ Chính trị lưu ý cần phát huy mức cao nhất mọi tiềm năng lợi thế của Thanh Hóa với 3 vùng địa lý, vị trí kết nối thuận lợi cả trong nước và quốc tế, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, bờ biển dài, có đầy đủ các loại hình giao thông. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ chí Minh đã từng nói khi về thăm Thanh Hóa "Tỉnh Thanh Hóa muốn trở thành tỉnh kiểu mẫu nhất định được vì người đông, của cải nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp xếp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý Thanh Hóa phải tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân Thanh Hóa.
"Chính vì thế sắp tới tôi đề nghị khi tỉnh chuẩn bị văn kiện cũng phải phân tích cái này, cố gắng phải nêu cao tinh thần nỗ lực quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không cam chịu thua kém người khác, phát huy tối đa thế mạnh của mình xây dựng cho được chiến lược phát triển một quy hoạch tổng hợp, phải xây dựng một tinh thần tự hào với quê hương, đoàn kết đồng lòng, chịu thương chịu khó, chủ trương phải đúng, cơ chế chính sách phải mạnh", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Tống Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Thanh Hóa là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ logistic, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu....
Xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc đất nước, các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Cụ thể, trong 5 năm tới, Thanh Hóa phấn đấu đạt mức tăng trưởng 11% trở lên, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 750.000 tỷ đồng trở lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!