Thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam: 11 trường hợp nào không được phép?

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 03/06/2022 13:38 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

VTV.vn - Có 11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Sáng 3/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Theo dự thảo Nghị quyết, trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam.

Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Dự thảo Nghị quyết quy định về các trường hợp phạm nhân không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam gồm:

a) Phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

b) Có từ 2 tiền án trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Người tổ chức trong vụ án đồng phạm;

đ) Người nước ngoài;

e) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

g) Người dưới 18 tuổi;

h) Người đủ 60 tuổi trở lên;

i) Người bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần không đủ sức khỏe để lao động được y tế của trại giam xác nhận;

k) Đang xếp loại chấp hành án phạt tù "Trung bình" hoặc "Kém";

l) Đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Về quy định này, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định 11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trên cơ sở xác định điều kiện về tội danh, tính chất, mức độ phạm tội và một số điều kiện khác; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân.

Thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam: 11 trường hợp nào không được phép? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Như vậy, để được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, phạm nhân đồng thời phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết và các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam.

Khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam như sau:

1. Phạm nhân đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện:

a) Có nơi cư trú rõ ràng; từ ngày đến trại giam chấp hành án có tư tưởng ổn định, chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ;

b) Phạm nhân phạm tội không thuộc một trong các trường hợp sau đây quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): Tội sản xuất trái phép chất ma túy có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp; tội tàng trữ trái phép chất ma túy có tổ chức hoặc phạm tội 02 lần trở lên; tội vận chuyển trái phép chất ma túy có tổ chức; tội mua bán trái phép chất ma túy có tổ chức; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà phạm tội 02 lần trở lên.

c) Phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời gian chấp hành án còn lại từ 5 năm trở xuống;

d) Phạm nhân mức án từ 15 năm trở xuống phạm tội lần đầu hoặc đã có 1 tiền án phải bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, đã được xét giảm án; Phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại "Khá" hoặc "Tốt" 6 tháng trở lên; Phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại "Khá" hoặc "Tốt" 3 tháng trở lên.

đ) Đối với số phạm nhân có tiền sử sử dụng ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc về ma túy.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Chính phủ về phương án quy định trên. Theo đó, dự thảo Nghị quyết chỉ nên quy định các trường hợp không được đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Đây là các quy định mang tính nguyên tắc về áp dụng chính sách hình sự của Nhà nước.

Việc giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại từng trại giam, phù hợp với tính chất của Nghị quyết của Quốc hội là tổ chức thí điểm mô hình này.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan và tính khả thi trong thực tiễn (ví dụ, quy định tại điểm e, điểm i khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết chỉ nên quy định các trường hợp "đang bị bệnh" thì không được đưa ra lao động ngoài trại giam).

Về thời gian thực hiện thí điểm, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định thời gian thực hiện thí điểm 5 năm như dự thảo Nghị quyết là phù hợp. Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện thí điểm 3 năm để kết thúc vào năm 2025, trước khi hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết và dự thảo văn bản quy định chi tiết để bảo đảm thống nhất về nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản theo quy định của pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước