Chiều 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi giao ban với Lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, cùng với Ban chỉ đạo Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của vùng. Phát biểu tại đây, Thủ tướng đã đề nghị các tỉnh cần phải nỗ lực giải quyết 2 vấn đề lớn nhất là di dân tự do và đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc ít người.
Sáu tháng đầu năm nay, nắng hạn kéo dài đã gây thiệt hại trên 5.400 tỷ đồng đối với nông nghiệp cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Xuất khẩu chỉ đạt 963 triệu USD và lần đầu tiên bị giảm trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cả vùng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6%. Cho dù nông, lâm nghiệp hiện đang chiếm 80% GDP và 70% dân số của Tây Nguyên sống nhờ vào nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong tổng diện tích 2 triệu ha đất nông nghiệp của Tây Nguyên chỉ có một nửa diện tích được tưới nước, còn lại phải nhờ nước mưa. Chính vì vậy, Tây Nguyên mới bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và biến đổi khí hậu như vừa qua.
Phát biểu sau khi lãnh đạo của 12 tỉnh và Bộ, ngành phát biểu ý kiến tại buổi giao ban, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Tây Nguyên đã có những bước phát triển ngoạn mục trong những năm gần đây, điển hình là 98% dân số được sử dụng điện, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại đều đạt được thành tựu đáng mừng. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề đồng bào các dân tộc thiểu số không có đất canh tác, quản lý dân di cư tự do vẫn là những thách thức lớn nhất đối với các tỉnh Tây Nguyên. Bởi đồng bào di cư tự do đang gây sức ép rất lớn đối với các tỉnh và hiện có tới 21.000 hộ dân di cư tự do chưa được bố trí đất ở và đất sản xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển và Nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu và sớm trình Thủ tướng một chính sách tổng thể về quản lý di dân. Thủ tướng cũng yêu cầu các Tỉnh ủy trong vùng phải triển khai ngay và nghiêm túc chỉ đạo sáng nay của Thủ tướng về bảo vệ và phục hồi rừng. Trong đó, phải có giải pháp đối với 70 nông lâm trường quốc doanh do 5 tỉnh đang quản lý. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hầu như các tỉnh đều muốn tiếp tục giữ lại các nông lâm trường này, mặc dù vấn đề đồng bào các dân tộc ít người thiếu đất sản xuất là một trong những vấn đề gay gắt nhất đối với cả 5 tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải hướng dẫn triển khai 7 chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp đến từng địa phương ở Tây Nguyên chứ không chỉ tuyên bố, rồi để các địa phương tự làm. Bên cạnh đó, 5 tỉnh cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu mô hình liên kết vùng ở một số ngành hàng và triển khai cho vay theo chuỗi liên kết. Đồng thời khuyến khích các hộ nông dân tham gia hợp tác xã. Bởi các tỉnh Tây Nguyên là những địa phương sẽ phải hội nhập sâu rộng nhất, vì có kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn, nếu không liên kết mà sản xuất và kinh doanh theo các hộ nhỏ lẻ sẽ khó có thể tồn tại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.