Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để người Việt Nam chủ động phát triển các nền tảng số ‘Make in Vietnam’.
Thay vì phải xử lý hàng chồng giấy tờ, thủ tục, giờ đây, chỉ với một chiếc máy tính, lãnh đạo doanh nghiệp có thể giám sát toàn bộ hoạt động đơn vị mình bởi mọi hoạt động từ quản lý nhân sự, kho vận, bán hàng đa kênh… đều được thực hiện trên môi trường số.
Nền tảng tự động hóa toàn bộ quy trình làm việc hiện được áp dụng cho hơn 5.000 doanh nghiệp trong nước. Giải pháp giúp loại bỏ các khâu trung gian, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất làm việc.
Tỷ lệ sử dụng nền tảng nội hiện chiếm hơn 20% và tiếp tục tăng trưởng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, gần 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số xuất sắc trong nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Với chiến lược phát triển các nền tảng số ‘Make in Vietnam’, các doanh nghiệp Việt sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ‘Make in Vietnam’ sẽ chiếm 45% tổng doanh thu toàn ngành công nghiệp CNTT trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!