Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Khu vực phía Bắc). Ảnh: TTXVN
Nhiều sáng tạo đổi mới trong hoạt động của HĐND năm 2021
Sáng 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng kết đánh giá về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 (khu vực phía Bắc).
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (khu vực phía Bắc).
Theo đó, trong năm 2021, HĐND các cấp đã góp phần quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, ngày bầu cử 23/5/2021 đã thực sự trở thành Ngày hội lớn của toàn dân.
Cử tri đã bầu được 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; bầu được 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện ; bầu được 239.788 đại biểu HĐND cấp xã. Các đại biểu đều là những người tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất, đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho cử tri tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đây là điều kiện cơ bản để HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Về ưu điểm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, Quốc hội, UBTVQH rất quan tâm đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình công tác, hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết đảm bảo thiết thực, sát với thực tiễn, đi vào cuộc sống, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Khu vực phía Bắc). Ảnh: TTXVN
HĐND nhiều địa phương đã phối hợp triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động. Vì vậy, năm 2021 mặc dù dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng HĐND cấp tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác năm 2021.
Thường trực HĐND cấp tỉnh đã chủ động chỉ đạo, điều hòa hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt công tác. Hoạt động các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ và có tính chủ động, linh hoạt hơn.
Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
Trong công tác chuẩn bị kỳ họp, vẫn còn tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo, nghị quyết do UBND chuẩn bị đến Thường trực và các Ban của HĐND chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Có địa phương tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành nghị quyết quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của nghị quyết. Chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, thực sự chưa khoa học. Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện ngay từ đầu, nên nội dung chuẩn bị chưa kịp thời hoặc không đủ cơ sở để thẩm tra, phải chuyển kỳ họp sau.
Công tác tổng hợp và gửi báo cáo các ý kiến, kiến nghị sau tiếp xúc cử tri của một số Tổ đại biểu HĐND chưa đảm bảo về chất lượng và thời gian quy định. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, cách thức, nội dung giám sát. Tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi còn tình trạng tiếp xúc "đại cử tri" là phổ biến.
Hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu.
Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện.
Mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội – Thường trực HĐND – UBND – UBMTTQVN các tỉnh, thành phố, có nơi, có việc chưa thật gắn kết trách nhiệm, hiệu quả chưa cao.
Đại biểu HĐND cần mạnh dạn hơn trong hoạt động chất vấn
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã nhấn mạnh về những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp HĐND các cấp cần thực hiện để khắc phục những bất cập trong quá trình hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian qua và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022.
Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương. Quá trình đổi mới phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là nội dung hoạt động và công tác tổ chức và cán bộ, trong đó cần quan tâm nâng cao chất lượng đại biểu HĐND, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức văn phòng giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, giúp hoạt động của HĐND được nâng lên rõ nét. Tích cực tham gia đề xuất với Quốc hội hoàn thiện thể chế, thông qua giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương, việc ban hành nghị quyết có chứa nội dung quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh.
Đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết: Báo cáo với cấp ủy để HĐND xây dựng kế hoạch định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của cả nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết hằng năm. Nghị quyết cần được xây dựng theo quy định của pháp luật, Nghị quyết đại hội Đảng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; giải quyết được những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của địa phương. Nghị quyết khi được ban hành phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đồng bộ với chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.
Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động: Tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ của HĐND cũng như phương thức hoạt động, trước hết là rà soát và hoàn thiện các quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND; quy chế phối hợp giữa HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, UBMTTQVN tỉnh; công tác tiếp xúc cử tri, theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc "đại cử tri"; chủ động tham gia từ sớm, từ xa của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND trong việc thẩm tra và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, cách thức điều hành phiên họp dân chủ, khoa học, trách nhiệm, kỳ họp HĐND đảm bảo đúng quy định và linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch tại địa phương.
Công tác giám sát tổ chức theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam và Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố. Tăng cường sự gắn kết của Quốc hội, UBTVQH, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND để phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan dân cử.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp. Nội dung Nghị quyết của HĐND khi được ban hành phải bảo đảm tính khả thi cao, không trái thẩm quyền, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề "nóng" và "điểm nghẽn", đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, cần tập trung vào những vấn đề "nóng", những vấn đề quan trọng của địa phương, được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền không chất vấn theo kiểu "hỏi để biết". Nội dung trả lời phải trọng tâm, ngắn gọn, phải xác định được nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại mà đại biểu HĐND đã đặt ra.
"Những vấn đề trả lời chưa rõ, chưa thỏa đáng, đại biểu HĐND cần mạnh dạn hơn trong việc tranh luận, truy vấn để làm rõ vấn đề và có kết luận đối với từng nội dung chất vấn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận chất vấn. Sau phiên chất vấn phải có Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp và quy định tại phiên họp thường kỳ sau phải có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn từ kỳ họp thường kỳ trước đã ban hành" – bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!