Sáng 12/10, Ủy ban TVQH đã nghe báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô KT-XH, trình độ và yêu cầu quản lý KT-XH đối với thành phố Hà Nội.Đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần quyết tâm, khẩn trương của Hà Nội
Huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Tạo sự chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có như nguồn cải cách tiền lương còn dư; nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn,...để đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông.
Cơ chế cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".
Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ và thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô chưa mở rộng phạm vi cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội.
Đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần quyết tâm, khẩn trương của Hà Nội
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách (TCNS) của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần quyết tâm, khẩn trương của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong triển khai Nghị quyết 115.
Theo đó, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 115, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 2728-TB/TU; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND phân công nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.
UBND Thành phố đã khẩn trương ban hành các Đề án, hoàn tất thủ tục trình HĐND Thành phố ban hành 6 Nghị quyết để triển khai ngay trong năm 2020.
Với vai trò là Thủ đô của cả nước, bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 115, Thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả như: Hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ, yêu cầu quản lý. Huy động tối đa nguồn lực tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng KT-XH. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành trong cả nước, lan tỏa tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước". Chia sẻ khó khăn và tăng cường gắn kết về nguồn lực, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, việc triển khai Nghị quyết còn khó khăn, hạn chế như: Tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm. Công tác cổ phần hóa DNNN chậm nên đã hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho Thành phố. Công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện trong một số trường hợp còn bị động; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời. Một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù quy định tại Nghị quyết 115 khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp, tiến độ triển khai của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan...
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo; lưu ý cần phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân. Cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã thực hiện, khó khăn vướng mắc và giải pháp triển khai chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế, chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho Thành phố Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!