Chiều nay (30/7), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã gặp mặt hơn 220 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong cả nước, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2020).
Cuộc gặp mặt này là sự ghi nhận, biểu dương và tôn vinh các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến và đóng góp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, văn nghệ, khoa học, kỹ thuật của Đảng. Cùng dự có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo trong cả nước, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng công tác xây dựng Đảng. Ba trụ cột đó là chính trị, tư tưởng và tổ chức, đóng vai trò đi trước, mở đường làm đảm bảo sự trường tồn lãnh đạo của Đảng. Trong đó, công tác tuyên giáo hay chính trị, tư tưởng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giáo dưỡng tinh thần, giác ngộ tư tưởng và xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần đưa đến những thắng lợi vẻ vang cho đất nước.
Hình ảnh tại buổi gặp mặt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dấu ấn gần 1 thế kỷ của ngành tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng có vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đóng góp công sức, tài năng và trí tuệ đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ những năm 30, đông đảo trí thức trẻ yêu nước và tiến bộ thời kỳ đó như đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đã hòa mình vào cuộc sống, đấu tranh giữ nước, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Với tinh thần "Từ ấy, trong tôi bừng nắng hạ mặt trời, chân lý chói qua tim", nhiều nhà trí thức đã lăn lộn ở nhiều chiến trường trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, không ít văn nghệ sĩ chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như Anh Đức, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân đã làm nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước, xác định mô hình hoàn thiện thể chế trong trong từng thời kỳ và phản biện chính sách cũng như khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn và phát huy các giá trị của bản sắc văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngay trong đại dịch COVID-19, nhiều trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã vào cuộc nghiên cứu và sản xuất thành công các bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, ứng dụng khai báo y tế, nhiều nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội cả nước và quốc tế trong phòng, chống dịch.
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: "Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống, còn nếu nhà văn quên đi điều đó, nhân dân sẽ quên anh ta", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng Nhà nước và nhân dân ta luôn đặt niềm tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà. Do đó, hơn đội ngũ 6,5 triệu người này hãy mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc như di nguyện của Bác Hồ cách đây đúng 50 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ thế kỷ 21 trở đi không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà là con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất, tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác càng sinh sôi, nảy nở. Vì thế cùng với đòi hỏi và kỳ vọng từ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà, Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều chủ trương chính sách để tạo dựng môi trường tự do sáng tạo hơn nữa vì không có phần thưởng nào đói với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ bằng môi trường tự do sáng tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh, càng nhìn sâu hơn vào quá khứ thì sẽ càng thấy được xa hơn tương lai, từ ngày kỷ niệm 90 ngành tuyên giáo của Đảng hôm nay, những người làm công tác tuyên giáo có thể nhìn thấy 10 năm tới, năm 2030, thời điểm kỷ niệm 100 ngày thành lập Đảng và cũng là 100 năm ngành tuyên giáo. Tương lai đó không chỉ phụ thuộc vào những gì ngành tuyên giáo sẽ làm mà còn phụ thuộc vào những gì đang làm hiện nay. Thủ tướng tin tưởng ngành Tuyên giáo sẽ phát huy tốt hơn nữa truyền thống vẻ vang của ngành để dành được những thành tựu to lớn hơn, vinh quang hơn như món quà kỷ niệm Bách niên sau 10 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!