Trình Quốc hội 2 phương án cấp phép hành nghề khám chữa bệnh

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 25/05/2022 15:12 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Liên quan đến vấn đề thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề còn ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đa đưa ra 2 phương án.

Thay đổi cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Sang 25/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong phần sự cần thiết, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về:

- Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.

- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

- Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Về quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chia hệ thống khám bệnh, chữa bệnh này thành 3 cấp chăm sóc, bao gồm:

- Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu;

- Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát;

- Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

- Hàng hóa phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh như: thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác.

- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp.

- Các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh".

Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

2 phương án về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề khám chữa bệnh

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề còn ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật.

Phương án 2: Giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Xã hội thấy rằng, theo phương án 1, Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26, tức là thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp.

Trình Quốc hội 2 phương án cấp phép hành nghề khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: TTXVN

Có ý kiến đề nghị chưa quy định nội dung này vào dự thảo Luật mà nên ‟Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề" như Nghị quyết 20-NQ/TW và tiến hành tổng kết làm cơ sở để luật hóa.

Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Liên quan đến việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất về sự cần thiết của việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và thực hiện theo lộ trình đối với từng chức danh phải có Giấy phép hành nghề, song đề nghị bổ sung lộ trình kiểm tra đánh giá năng lực đối với chức danh y sỹ thuộc lực lượng vũ trang và cấp cứu viên ngoại viện; làm rõ căn cứ xác định thời điểm tiến hành chính thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngay trong dự thảo Luật.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí quy định Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm và đề nghị quy định thời hạn Giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho phù hợp với điều kiện hành nghề của các đối tượng này.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng không cần quy định thời hạn của Giấy phép hành nghề mà chỉ cần sửa đổi các quy định hiện hành về cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục để đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước