Bến Nhà Rồng nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, giành lại quyền sống tự do cho nhân dân, cho dân tộc Việt Nam.
Từ Bến Nhà Rồng, Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh), người thanh niên tràn đầy hoài bão cách mạng Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi. Lấy tên là Văn Ba, Người xuống con tàu Amiral Latouche Tréville xin làm phụ bếp, quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về quyết định của mình: "Nhân dân Việt Nam, thường hỏi nhau, ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ về giúp đồng bào tôi".
Trong 10 năm đầu, dấu chân Người đã qua nhiều quốc gia, tìm đến phong trào công nhân quốc tế, gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, không gì khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Những năm tiếp theo, Người - với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.
Năm 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Người trở về, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng trong nước, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam liên tiếp đi tới những mùa Xuân thắng lợi.
Cuộc ra đi vào năm 1911 của Người đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng, thay đổi vận mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hành trình tìm đường cứu nước là hành trình vĩ đại, mở đường, dẫn lối cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, giải phóng đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!