Dịch COVID-19 tạo ra một tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp chính sách rất kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những diễn biến phức tạp trở lại của đại dịch tại nhiều địa phương trong cả nước đã, đang và sẽ tác động toàn diện và nặng nề hơn đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp và chính sách bổ sung mạnh mẽ hơn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Ngay từ những diễn biến đầu tiên của COVID-19 tại Việt Nam, chính phủ đã kịp thời đưa hỗ trợ và đưa ra gói hỗ trợ, chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cú sốc COVID-19.
Thứ nhất, gói chính sách tiền tệ - tín dụng nhằm cơ cấu lại, giãn - hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng.
Thứ hai, gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1% - 2,5%/năm.
Thứ ba, gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số thuế và phí) với tổng giá trị 180.000 tỷ đồng. Thứ tư, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu lao động và đối tượng yếu thế.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Chúng ta đã có gói hỗ trợ lần thứ nhất 62000 tỷ. Đó là nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng mà cho đến nay việc giải ngân gói này mới chỉ xấp xỉ mức 12000 tỷ. Một con số rất khiêm tốn. Sở dĩ là như vậy, để chọn ra đúng đối tượng để hỗ trợ là việc không dễ và mất rất nhiều thời gian trong khi chúng ta cần giải ngân rất nhanh để tạo ra hiệu quả. Nếu chúng ta đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị các cơ sở hạ tầng thì chính là chúng ta đã đưa tiền vào nền kinh tế và lan tỏa thu nhập của người dân. Đẩy mạnh được đầu tư, chúng ta vừa giải quyết được vấn đề, vừa tạo ra nền tảng để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.”
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng đã ngày càng rõ nét trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều phức tạp. Điều này thể hiện rõ trong quý 3 khi mà các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng khá, từ nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng đến dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng. Các chỉ số kinh tế cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan và kì vọng tăng trưởng vào quý 4 này.
Đại dịch COVID-19 cũng đem đến những nhìn nhận mới, rõ nét hơn về cơ hội phát triển. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội, các cuộc họp, hội thảo, học tập trực tuyến ở các quy mô và cấp độ khác nhau, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Với những quyết sách hợp lý của Chính Phủ, Việt Nam hiện là nước duy nhất ở Đông Nam Á giữ được mức tăng trưởng dương và đứng thứ 2 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng dịch bệnh và đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, bình ổn nền kinh tế. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh thế giới được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Dịch có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia. Vì thế, Việt Nam cần có những chính sách tiếp theo phù hợp với tình hình.
Qua đại dịch COVID-19 lần này, bên cạnh việc chúng ta thấy được những điểm mạnh của nền kinh tế, của quản trị xã hội, của đất nước, cũng giúp cho chúng ta thấy rõ được những phần còn thiếu sót, thậm chí kể cả những vấn đề mà chúng ta còn có sai lầm trong quá trình phát triển kinh tế của mình, chúng ta phải có nhiệm vụ nhanh chóng khắc phục nó để nắm bắt được vận hội, cơ hội mà đại dịch mang đến. Đại dịch lần này cho thấy là rất nhiều các chuỗi giá trị bị đứt gãy và Việt Nam chúng ta với một nền kinh tế có độ mở rất lớn phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Trong bối cảnh của hậu COVID-19, và hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực… những định hướng chuyển đổi số mạnh mẽ từ Chính phủ lẫn khối doanh nghiệp, gắn kết chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiết lập cơ chế quản lý, đưa ra các giải pháp sáng kiến…. Việc xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh dịch vụ mới xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và kì vọng sẽ mở ra cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam trụ vững và phát triển trong bối cảnh bất định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!