Truyền hình trực tiếp Phiên bế mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 11/01/2022 06:08 GMT+7

VTV.vn - Phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 14h00 ngày 11/1.

Hôm nay (11/1) là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Buổi sáng, Quốc hội nghỉ. Các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết.

Buổi chiều, từ 14h00, Quốc hội họp phiên bế mạc.

Các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua 4 nội dung cấp bách gồm:

- Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự;

- Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025;

- Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được Đài THVN truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 14h00 ngày 11/1.

Trong suốt 1 tuần qua, các đại biểu đã xem xét, cho ý kiến về 4 vấn đề quan trọng, cấp bách qua nhiều phiên thảo luận.

Về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Truyền hình trực tiếp Phiên bế mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội - Ảnh 1.

Để phục hồi và phát triển, theo một số đại biểu, vấn đề quan trọng nhất chính là lao động và đề nghị chính sách tài khóa tiền tệ cần quan tâm đến hỗ trợ người lao động và hỗ trợ phục hồi thị trường lao động.

Liên quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật lớn, tổng hợp nhiều chính sách quan trọng thuộc các lĩnh vực khác nhau; việc xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động, năng động của Quốc hội đảm bảo tính kịp thời, tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Việc Quốc hội thông qua 1 luật sửa đổi 8 luật tại kỳ họp lần này, nhất là trên lĩnh vực đầu tư được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt, đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn vốn đầu tư.

Các đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một số vấn đề như: Luật Thi hành án dân sự chưa đề cập đến cơ chế xử lý ủy thác thi hành án và ủy thác tài sản; xem xét thấu đáo hơn các điều khoản bảo vệ di tích di sản trong Luật Đầu tư; sửa đổi mạnh mẽ, chặt chẽ hơn quy định chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án nhà ở thương mại đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đa số các ý kiến nhất trí thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn băn khoăn về hình thức đầu tư cho dự án.

Các đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ nguồn lực và khả năng huy động vốn thực hiện, bởi theo tính toán, dự án có 12 dự án thành phần với quy mô lên tới 147.000 tỷ đồng. Nhu cầu giải ngân đến 2025 là gần 120.000 tỷ đồng, trong đó có 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Truyền hình trực tiếp Phiên bế mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội - Ảnh 2.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Túy Loan. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại về tiến độ của dự án, đồng thời đề xuất phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Để đảm bảo tiến độ, một số đại biểu đề xuất phải có cơ chế đặc thù trong thực hiện các thủ tục đầu tư dự án; đồng thời sớm có phương án phù hợp để thu hồi vốn.

Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết đã tiếp thu các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án.

Liên quan việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sẽ giúp Cần Thơ khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để phát triển Cần Thơ thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân của ĐBSCL.

Một số đại biểu nhấn mạnh việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ như dự thảo là hết sức cần thiết nhưng phải được tính toán kỹ lưỡng hơn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội cần có quy định rõ hơn về thời gian thực hiện các cơ chế thí điểm cho Cần Thơ, cũng như đảm bảo chính sách phải đủ mạnh để tạo ra sự phát triển đột phá cho địa phương này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước