Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

VTV News-Thứ năm, ngày 27/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 ngày 27/10.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, hôm nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về:

- Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

- Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 ngày 27/10 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Thủ tướng nhấn mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu… Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine miễn phí lớn nhất từ trước tới nay; đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều và nặng nề hơn; đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Thủ tướng nêu rõ: "Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra".

Thủ tướng trích dẫn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả".

Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh 2.

Tệ nạn xã hội, cháy nổ, lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực. Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm...

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; còn thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là lao động chất lượng cao. Thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn; liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước còn hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động khó đạt mục tiêu đề ra.

Phát triển văn hoá chưa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật. Một số vụ việc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mất an toàn lao động, cháy nổ, lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp. Xử lý ô nhiễm môi trường còn bất cập, nhất là nước thải, chất thải. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều khó khăn, thách thức…

Đánh giá về báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng, tình hình kinh tế, xã hội trong 9 tháng đầu năm phục hồi và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khẳng định những nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ.

Các ý kiến cũng cho rằng, những kết quả đạt được cho thấy sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, để từ đó có những quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Các đại biểu cũng đề nghị đề nghị trong năm 2023, cần có các giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong đó có việc phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cử tri gửi gắm nhiều kỳ vọng tới diễn đàn Quốc hội Cử tri gửi gắm nhiều kỳ vọng tới diễn đàn Quốc hội

VTV.vn - Nhiều cử tri đánh giá, các báo cáo được trình bày tại phiên khai mạc không chỉ nêu các thành tựu, khó khăn, mà còn chỉ rõ nguyên nhân mang lại những kết quả tích cực hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước