Theo tư tưởng của Người, để xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền phải coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong suốt quá trình 70 năm xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước ta, những tư tưởng ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Trong "Bản yêu sách 8 điểm" gửi Hội nghị Versailles đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam năm 1919, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định vai trò của pháp luật: "Bảy xin Hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền".
Trong tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến trách nhiệm giữa đại biểu và cử tri. Đại biểu do cử tri tín nhiệm bầu ra và phải chịu sự giám sát của cử tri, chịu trách nhiệm trước cử tri. Vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ngày 6/1/1946, Quốc hội của Việt Nam được tổng tuyển cử bằng phương thức dân chủ trực tiếp.
Trải qua gần 70 năm kể từ khi nhân dân bầu Quốc hội đầu tiên đại diện cho tiếng nói của mình, thực tế đã khẳng định: Mọi quyền lực Nhà nước đều ở nhân dân, trong đó Nhà nước là của dân, do nhân dân quyết định. Pháp luật do Nhà nước ban hành nhưng phải thể hiện ý chí của nhân dân. Hiến pháp 2013 tiếp tục làm rõ hơn những nội hàm của Nhà nước pháp quyền, tiếp tục một bước tiến quan trọng trong việc tôn trọng và đề cao quyền dân chủ của người dân.
Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã được Đảng ta đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Mặt khác, để bộ máy Nhà nước hoàn thành chức trách của mình, phục vụ nhân dân, công việc của các cơ quan và công chức Nhà nước rất cần phải công khai, minh bạch.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.