UBND cấp huyện cần chấn chỉnh, khắc phục sai phạm do Thanh tra sở phát hiện

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 25/10/2022 11:19 GMT+7

VTV.vn - Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng cần quy định tiêu chí thành lập cũng như bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở.

Khắc phục tình trạng "dàn đều" biên chế cho thanh tra các sở

Sáng 25/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo đó, về Thanh tra huyện, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết.

UBND cấp huyện cần chấn chỉnh, khắc phục sai phạm do Thanh tra sở phát hiện - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc thành lập tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Việc thành lập này về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Về Thanh tra sở, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Một số ý kiến đề nghị không phân quyền vấn đề này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, vì sẽ dẫn đến tình trạng thực hiện thiếu thống nhất. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể một số sở thành lập tổ chức Thanh tra sở để thực hiện thống nhất trong cả nước, còn lại giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định để phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo cơ sở để khắc phục tình trạng "dàn đều" biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở, dẫn đến nhiều nơi chỉ bố trí được 2-3 người nên hoạt động khó bảo đảm hiệu quả.

Tuy nhiên, việc phân quyền cho địa phương quyết định thành lập Thanh tra sở cần được tiến hành từng bước, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm nhưng không thành lập cơ quan thanh tra.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp:

(1) Theo quy định của luật;

(2) Tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;

3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.

Cần quy định tiêu chí thành lập, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn Thanh tra sở

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo luận rất rõ các ý kiến của đại biểu. Đại biểu được kỳ vọng dự thảo sẽ tạo bước mặt quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam.

Về thanh tra sở, đại biểu cũng tán thành với quy định trong dự thảo luật phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về các trường hợp thành lập Thanh tra sở được quy định tại Khoản 2, Điều 26.

UBND cấp huyện cần chấn chỉnh, khắc phục sai phạm do Thanh tra sở phát hiện - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình)

"Nên chăng cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Bởi với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau" – đại biểu tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (tỉnh Hà Giang) cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở. Đại biểu Hoàng đề nghị thêm Điểm 6 Điều 28: Yêu cầu cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét trách nhiệm chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm do Thanh tra sở phát hiện. Ý kiến này cũng được nhiều đại biểu tán thành.

UBND cấp huyện cần chấn chỉnh, khắc phục sai phạm do Thanh tra sở phát hiện - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (tỉnh Hà Giang)

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (tỉnh Bắc Giang) tranh luận về quy định tổ chức thanh tra sở và cho rằng vẫn nên quy định việc thanh tra sở được thành lập ở những sở thuộc UBND tỉnh.

Theo đại biểu, xuất phát từ chức năng, vị trí, vai trò của thanh tra đối với cơ quan quản lý nhà nước, ngành, lĩnh vực, thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

UBND cấp huyện cần chấn chỉnh, khắc phục sai phạm do Thanh tra sở phát hiện - Ảnh 4.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (tỉnh Bắc Giang)

"Thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng của chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả. Thanh tra làm cho chu trình quản lý nhà nước được khép kín, các hoạt động quản lý nhà nước được gắn bó chặt chẽ hơn. Qua thanh tra, sẽ có các kiến nghị để khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý cũng như sửa đổi cơ chế chính sách nhắm quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trong hoạt động quản lý nhà nước phải có thanh tra, và thanh tra phải phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước. Ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra, quản lý nhà nước mà không có thanh tra sẽ dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn. Cũng giống thanh tra huyện, thanh tra sở đã có cả một quá trình hình thành, phát triển ổn định, lâu dài, góp phần quan trọng không thể thiếu cho việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước" – đại biểu tỉnh Bắc Giang cho biết và nhấn mạnh vẫn nên quy định việc thanh tra sở được thành lập ở những sở thuộc UBND tỉnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước