Bảo đảm xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số...
Ngày 3/11, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đã có tham luận về việc triển khai định hướng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.
Ông Đặng Thuần Phong nêu rõ, từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á và nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo hướng: Nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử... Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có lĩnh vực xã hội.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai định hướng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội cần đáp ứng yêu cầu cơ bản sau:
1. Quán triệt sâu sắc và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp 2013 thuộc lĩnh vực lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội; nhất là những nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ban hành Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Bảo đảm xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội… Trong đó, đặc biệt ưu tiên nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh. Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn và xử lý những vấn đề đặt ra trong phòng, chống và khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.
3. Xác định cụ thể các định hướng lập pháp và danh mục các nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu hoàn thiện, xây dựng mới; đồng thời, phải xác định thứ tự ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp bách thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách theo đó rà soát, tổng kết thực tiễn, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm và có những điều chỉnh phù hợp để bảo đảm tính khả thi.
4. Cần xác định các giải pháp có hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương để bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ lập pháp thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội đã đề ra.
Ưu tiên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHXH...; xây dựng Luật về mại dâm
Để hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực xã hội trong những năm tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh cần phải đảm bảo một số mục tiêu tổng quát sau:
Về lao động - việc làm: tiếp tục hoàn thiện thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, hướng đến việc làm bền vững, nâng cao chất lượng lao động; quan tâm hơn nữa đến lao động khu vực phi chính thức, lao động trong một số ngành nghề mới gắn với những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Về y tế - dân số: hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tăng cường vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng; bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; tận dụng cơ hội dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Về bảo trợ xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng: tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm nghèo, thực hiện các giải pháp về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau; phấn đấu không để tình trạng người có công với cách mạng thuộc diện nghèo
Về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, thi đua khen thưởng: tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực; pháp luật về thi đua, khen thưởng cần tạo động lực để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, khen thưởng xứng đáng với thành tích, công lao cống hiến, trực tiếp đối với người lao động, sản xuất; giải quyết những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Về phòng, chống tệ nạn xã hội: hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống mại dâm để thích ứng với tình hình mới; xóa bỏ lỗ hổng về hành lang pháp lý trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội như: tín dụng đen, trò chơi điện tử...
Về những mục tiêu cụ thể, Ủy ban Xã hội đã có báo cáo về một số nhiệm vụ lập pháp cần được ưu tiên như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, trọng tâm là pháp luật việc làm và bảo hiểm xã hội; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm độ bao phủ, điều chỉnh những yếu tố mới phát sinh sau đại dịch COVID-19. Nhiệm vụ lập pháp cần phải ưu tiên là: (i) Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội; (ii) Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phòng bệnh, trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách an toàn, thuận lợi của tất cả người dân, phù hợp với tình hình mới; phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh có quy mô, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, tăng cường công tác y tế dự phòng; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công tư - đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, phát triển mô hình bác sĩ gia đình; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp dược. Nhiệm vụ lập pháp cần phải ưu tiên là:
(i) Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (hiện nay Chính phủ đang đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022);
(ii) rà soát, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác;
(iii) Nghiên cứu, xây dựng mới Luật điều chỉnh về phòng bệnh hoặc phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, Luật điều chỉnh về trang thiết bị y tế, Luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính, Luật điều chỉnh về Y dược cổ truyền, Luật Dân số (thay thế Pháp lệnh dân số).
Thứ ba, thể chế hóa đầy đủ nội dung của Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về công tác bình đẳng giới, bảo đảm phù hợp Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phát huy hiệu quả các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiệm vụ lập pháp cần triển khai: (i) Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 5/2022); (ii) Sửa đổi Luật bình đẳng giới.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn nhằm thể chế các Nghị quyết có liên quan của Đảng; bảo đảm sự đồng bộ với Bộ luật Lao động năm 2019; đặc biệt phải đáp ứng trước đòi hỏi ngày càng cao về bảo đảm quyền của người lao động, thị trường lao động và thực sự góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Đặc biệt, một số vấn đề mới liên quan đến quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Thứ năm, nâng cao vai trò nòng cốt, cầu nối của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo; để các hoạt động nhân đạo tiến hành ngày càng có hiệu quả, góp phần thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, xây dựng khung khổ pháp lý cho việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, tránh các hành vi lợi dụng vi phạm pháp luật. Nhiệm vụ lập pháp cần triển khai: (i) Rà soát, sửa đổi Luật Hoạt động chữ thập đỏ; (ii) nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Thứ sáu, xây dựng Luật về mại dâm, quy định về phòng ngừa, ứng phó với các hành vi bạo lực đối với người bán dâm; chính sách, mức hỗ trợ kinh phí giúp người bán dâm hoàn lương với các hoạt động hỗ trợ dịch vụ y tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp tâm lý, dạy nghề.
Thay mặt Ủy ban Xã hội, ông Đặng Thuần Phong đề nghị Quốc hội cần bố trí ngân sách xây dựng pháp luật thích đáng, với chế độ tài chính phù hợp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đề xuất lộ trình hoạch định chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030 thuộc lĩnh vực bộ, ngành mình quản lý.
"Chấm dứt hiện tượng "xếp gạch, đặt chỗ", đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ; từng bước khắc phục tình trạng xây dựng luật chắp vá, manh mún, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên" - ông Đặng Thuần Phong nêu rõ.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc quy trình lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết không trình ra Quốc hội những dự án luật, pháp lệnh không bảo đảm chất lượng và tiến độ soạn thảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!