"Vì sao có việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần mà cấp dưới không nghe?"

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 03/11/2020 16:13 GMT+7

VTV.vn - Trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã đặt ra một loạt câu hỏi "Vì sao" cần được các cơ quan nhà nước tìm lời giải đáp.

Đằng sau thành công còn nhiều câu hỏi cần tìm lời giải đáp

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 3/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) bày tỏ sự tán thành cao báo cáo của Chính phủ, trong đó đề cập toàn diện bối cảnh, tình hình nhưng kết quả lớn mà đất nước đã thu được thời gian qua.

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ ra 20 nhóm hạn chế, tồn tại, nêu rõ 7 nhóm nguyên nhân chủ quan, khách quan, tác động gây ra những mặt tiêu cực, ảnh hưởng đến tốc độ, năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế cũng như tâm lý của cử tri và nhân dân cả nước. Đặc biệt đã vào cuộc quyết liệt giải quyết những khó khăn, mất mát về người và của khi đối phó với dịch bệnh, lũ lụt thời gian qua.

Vì sao có việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần mà cấp dưới không nghe? - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Đại biểu Nhưỡng cho biết khi nghiên cứu các báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội kỳ họp này, qua tiếp xúc cử tri, báo chí công luận, có thể thấy đằng sau những thành công, thành quả đó vẫn còn nhiều câu hỏi cần tìm lời giải đáp như sau:

Vì sao cải cách lập pháp được đặt ra nhưng vẫn còn tình trạng lộn xộn trong đề xuất chính sách, chậm trễ trong ban hành văn bản triển khai nhưng lại vội vã đề xuất những chính sách gây tranh cãi?

Vì sao mỗi năm số lượng kiến nghị cử tri đối với bộ, ngành vẫn không giảm? Vì sao nhiều năm không được xem xét, giải quyết? Ông Lưu Bình Nhưỡng đề cập tới con số 752 kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 9.

Vì sao Chính phủ đã căng ra để thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm hàng chục nghìn thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử Chính phủ số cải thiện tính liên thông... nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn về sự nhiêu khê, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước, vẫn phải bôi trơn tru cho guồng máy thủ tục?

Vì sao có rất nhiều việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần mà cấp dưới không nghe, không làm, không chuyển? Vẫn tồn tại tình trạng "trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh băng"?

Vì sao cải cách tư pháp được ghi vào Nghị quyết giai đoạn 2016 coi tư pháp là hộ pháp của nền kinh tế xã hội nhưng hoạt động tư pháp chưa thực sự mang lại sự tin cậy?

Người dân của doanh nghiệp chưa coi tư pháp là chỗ dựa để làm ăn, sinh sống. Ngược lại luôn lo lắng với câu cửa miệng các cụ đã đúc kết: "vô phúc đáo tụng đình". Còn nhiều băn khoăn về sự công bằng trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Vì sao đến nay tham nhũng vẫn phức tạp, tinh vi?

Nhiều vụ việc đã biệt thanh tra nhưng lại có kết luận nửa vời, kiểu thỏa thuận với sai phạm: nếu không khắc phục hậu quả thì sẽ chuyển cơ quan điều tra. Một số việc lớn, trong đó có cả vụ việc được nêu ra trước Quốc hội nhưng đến nay chưa có kết quả xử lý.

"Đây là vấn đề được cử tri và nhân dân luôn đặt ra trong mỗi lần tiếp xúc, coi là giặc nội xâm với một thái độ hết sức gay gắt" - đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

Vì sao hiệu quả khắc phục 12 dự án đầu tư rất lớn của Nhà nước đến nay còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là dường như dậm chân tại chỗ?

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế chỉ rõ đến tháng 6/2020 chỉ có dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện đưa ra xem xét khỏi danh sách 12 dự án. Trong khi Chính phủ thành lập hẳn một Ban chỉ đạo nhưng đến nay các dự án đó tiếp tục là những cỗ máy ngốn tiền ngân sách và đầu tư xã hội.

Vì sao tình trạng rùa bò trong giải ngân vốn đầu tư mặc dù Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, vẫn không được cải thiện?

Vì sao tình trạng xâm ngập mặn, xói lở, bão tố, giông, lốc, lũ lụt khá thường xuyên, phổ biến xảy ra tương đối có quy luật nhưng một số địa phương, bộ, ngành của lúng túng trong xử lý tình huống và hậu quả?

Ngay cả khi xã hội vào cuộc với sự cố gắng với tấm lòng nhân ái cũng biết bao lời ra tiếng vào, còn tình trạng lãng phí tiền bạc vào những việc không cần thiết trong khi nhân dân vùng lũ lụt, thiếu đói, mất nhà cửa, tài sản đang cần hỗ trợ.

Vì sao tội phạm vẫn phức tạp, nhất là tội phạm ma túy và xâm hại tính mạng, sức khỏe của người thân trong gia đình, xâm hại trẻ em ngày càng gây lo lắng cho người dân trong khi đã có những thay đổi về thể chế và cơ chế phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Vì sao nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng không được xem xét đúng mức, nghiêm túc trên nguyên tắc Nhà nước pháp quyền khiến cử tri và nhân dân bức xúc, bị thế lực xấu lợi dụng chống phá, gây chia rẽ. Phải chăng chúng ta chưa thực sự tìm ra điểm nghẽn, nút thắt để tháo gỡ?

Nghiên cứu cơ chế khắc phục tính "xuân thu nhị kỳ"

Vì sao có việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần mà cấp dưới không nghe? - Ảnh 2.

Trước những câu hỏi trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định: "Muốn có câu trả lời cần nghiêm túc để truy tìm trong ý thức pháp luật, thái độ tuân thủ đạo đức xuống cấp, sự im lặng, cầu an của người có trách nhiệm, lỗi từ thể chế và cơ chế thực hiện cơ chế huy động nguồn lực và khơi dậy khát vọng, củng cố lòng tin hay việc xử lý quyết liệt, công bằng, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan dân cử".

Ông Nhưỡng cho rằng, trách nhiệm giải đáp các vấn đề đó thuộc về tất cả các cơ quan nhà nước không chỉ của riêng Chính phủ, các cơ quan hoạt động tư pháp mà thuộc về cả Quốc hội, các cơ quan dân cử. Về lâu dài Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát, cân nhắc các nhiệm vụ, giải pháp để giải đáp các vấn đề mà Chính phủ, các bộ, ngành và cử tri đặt ra.

Về nhiệm vụ, trước mắt, đại biểu đoàn Bến Tre đề nghị Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra một số tỉnh miền Trung, trong đó đánh giá toàn diện các vấn đề, giải pháp huy động, phân bổ nguồn lực công bằng và xử lý tốt các vấn đề phát sinh, tránh vi phạm nếu có.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa một số đề nghị:

Một, khẩn trương nghiên cứu thành lập Tòa án Hiến pháp để thực hiện trách nhiệm bảo hiến, xây dựng cơ chế thanh tra Quốc hội để thực hiện giám sát trực tiếp, thường xuyên thanh tra, giải trình của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp.

Hai, đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động Quốc hội cần chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu, nghiên cứu cơ chế hoạt động thường xuyên để khắc phục tính "xuân thu nhị kỳ" do kỳ họp chính gây ra. Quốc hội phải thật sự là diễn đàn dân chủ, sáng tạo cao về tính Đảng, sâu rộng về tính nhân văn, thật sự là Quốc hội, nhân văn là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân theo Hiến pháp.

Ba, cần tăng cường mạnh mẽ chức năng giám sát của Quốc hội, các cơ quan dân cử, đại biểu Quốc hội. Nếu chỉ chú trọng khâu lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước mà không giám sát hiệu quả thì không khác gì chúng ta buông lỏng quyền lực, thực hiện quyền lực một nửa, là thiếu đồng hành với các cơ quan hành pháp và tư pháp, chưa thực hiện nguyên tắc phân công phối hợp kiểm soát trong thực hiện quyền lực nhà nước, đặc biệt cần quan tâm có cơ chế giám sát phù hợp ở những địa phương bỏ Hội đồng nhân dân.

"Tôi đề nghị Đảng đoàn Quốc hội cần tham mưu để Trung ương ban hành một nghị quyết riêng về tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử, tạo cơ sở chính trị để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về giám sát trong nhiệm kỳ XV" - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu trước Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cần sớm chấm dứt tình trạng trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cần sớm chấm dứt tình trạng trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”

VTV.vn - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị phải sớm chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước