Sáng 3/11, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đánh giá cao sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc kịp thời đưa ra các giải pháp để đưa nền kinh tế vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai bão lũ gây ra những tác động tiêu cực, các đại biểu cũng nêu nhiều giải pháp để nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển bền vững.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Lan phát biểu ý kiến (Ảnh: TTXVN)
Tại phiên thảo thuận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) đánh giá: "Năm 2020 là năm khó khăn chồng chất khó khăn, chúng ta phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường do các yếu tố bất lợi nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành ngôi sao sáng trên trường quốc tế trong cuộc cách mạng chống đại dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế".
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, ông Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu thực trạng: "Câu chuyện hủy hoại về rừng không còn là chuyện mới song nhìn lại lũ lụt, sạt lở miền Trung càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này".
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương phát biểu ý kiến (Ảnh: TTXVN)
"Tôi đề nghị Quốc hội xem xét có chương trình chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực các tỉnh miền núi. Coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra" - bà Triệu Thị Thu Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đề nghị.
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Xuân Cường cho biết, nếu năm 1990 cả nước có khoảng 9 triệu ha rừng thì sau 30 năm chúng ta có 14,6 triệu ha, trong đó có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, trong khi thế giới là 29%, đây là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chúng ta quyết tâm phát triển rừng để bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu (Ảnh: TTXVN)
Chính sách hỗ trợ người dân bảo vệ rừng tự nhiên tăng dần qua các năm và đến nay đạt mức 250.000 đồng/ha và Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu nâng lên mức 1 triệu đồng/ha. Đáng chú ý nguồn thu từ bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tăng như phí môi trường rừng một năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, mới đây Việt Nam đã ký thỏa thuận bán 10 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 50 triệu USD dành cho trồng rừng và bảo vệ rừng. Việt Nam đã được thế giới công nhận tham gia phát triển bền vững.
Ngoài ra 4,3 triệu ha rừng nguyên liệu đã cung cấp khoảng 30 mét khối nguyên liệu, đáp ứng phần lớn nhu cầu của 4.600 DN chế biến gỗ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 13 tỷ USD trong năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!