Viện trưởng VKSND tối cao: Hạn chế tối đa bỏ lọt tội phạm trong vụ AIC, Việt Á

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 17/03/2023 18:26 GMT+7

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

VTV.vn - Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo về một số nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bên cạnh giải pháp chung, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo toàn ngành thực hiện những giải pháp cụ thể, như: tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra...

Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, của Kiểm sát viên, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại, sau đó phải đình chỉ bị can do không phạm tội; kiểm điểm xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể, lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện Kiểm sát cấp trên nếu có hướng dẫn chỉ đạo đối với vụ việc; kiểm điểm trách nhiệm của Kiểm sát viên, lãnh đạo đối với các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội để từ đó hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu VKSND các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ; áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội; yêu cầu khởi tố và thay đổi tội danh khi có căn cứ; bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm...

Với những giải pháp trên, Viện Kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 292.915 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 150.848 vụ/281.854 bị can, đã giải quyết 140.453 vụ/259.415 bị can (tỷ lệ trung bình đạt 93,1% số vụ và 96% số bị can); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn 99,99% (vượt 4,99% chỉ tiêu Quốc hội giao).

Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử; số kiến nghị của VKSND yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm tăng và hầu hết đều được thực hiện.

"VKSND các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ (điển hình như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma); các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước" - báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Kiểm sát nhân dân còn có tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp Viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố.

Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân là: do một số quy định của pháp luật còn chưa được hướng dẫn, giải thích kịp thời nên dẫn đến khó khăn hoặc không thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm; Một số loại tội phạm mới, phi truyền thống phát sinh; Một số Điều tra viên, Kiểm sát viên được giao giải quyết vụ việc còn hạn chế về năng lực, trình độ chưa theo kịp với thực tiễn, ý thức trách nhiệm chưa cao, nóng vội, thiếu thận trọng khi quyết định khởi tố và phê chuẩn khởi tố bị can dẫn đến đánh giá tài liệu, chứng cứ và hành vi vi phạm chưa chính xác nên có cách đề xuất, quan điểm xử lý, giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước