Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. 90% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. 27% dân số là người có đạo. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã, đang và vẫn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân.
Tại bản Xi Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, kể từ khi điểm nhóm này được công nhận chính thức, thay vì làm tại gia, giáo dân ở đây đã có thể hành lễ tập thể tại lễ đường này.
Xi Ma 2 là một trong 70 điểm nhóm tôn giáo ở Mường Nhé được cấp phép sinh hoạt trong 4 năm qua. Bà con ở những điểm bản này chủ yếu là dân di cư tự do. Khi mới về Mường Nhé, họ còn chưa có nơi cư ngụ hợp pháp. Nay họ không chỉ được chính quyền bố trí đất ở ổn định mà đã được tự do thực hành đức tin.
Trong những năm qua, việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo quy mô lớn được hỗ trợ, tạo điều kiện tiến hành. Số lượng tu sĩ, giáo dân và cơ sở thờ tự ngày càng gia tăng. Cả nước hiện có hơn 57.000 chức sắc, trên 147.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Việt Nam hiện có hơn 26 triệu tín đồ với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận.
Hành lang pháp lý trong sinh hoạt tôn giáo cũng ngày được bổ sung và hoàn thiện với mục tiêu là đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa tinh thần của cả người có đạo và không có đạo trong khuôn khổ pháp luật.
Đảm bảo để tín đồ, giáo dân được sinh hoạt tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật chính là một trong những cơ sở quan trọng để tạo sự đồng thuận, gắn kết và phát huy đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!