Xây dựng pháp luật: Chặt chẽ, khoa học, dân chủ nhưng phải linh hoạt

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 01/11/2024 14:26 GMT+7

VTV.vn - Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn.

Sáng 1/11, phát biểu khai mạc "Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có các bài viết, bài phát biểu quan trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và công tác xây dựng pháp luật, trong đó có những thông điệp, tư duy, tư tưởng mới cần nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn.

Xây dựng pháp luật: Chặt chẽ, khoa học, dân chủ nhưng phải linh hoạt - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Điều này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan, đơn vị pháp luật, pháp chế phải nghiên cứu cách làm mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Về cách làm, trong bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để chính sách, pháp luật thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển; nhưng cũng phải linh hoạt để kịp thời phản ứng chính sách, có giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển theo nguyên tắc bảo vệ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

Như vậy, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải được đổi mới để vừa đáp ứng yêu cầu "chặt chẽ, khoa học, dân chủ" nhưng vừa phải "linh hoạt".

"Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một vấn đề lớn, phức tạp, vừa mang tính chính trị, pháp lý, vừa mang tính chuyên môn phức tạp và là phương thức để thực hiện thành công đột phá chiến lược về thể chế để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết.

Cần kết hợp hài hòa giữa pháp trị và đức trị

Phát biểu tại Toạ đàm, TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, thể chế pháp luật là chìa khóa cho sự phát triển của quốc gia. Để xây dựng một hệ thống pháp luật vững chắc, cần kết hợp hài hòa giữa pháp trị và đức trị, bảo đảm pháp luật vừa dựa trên nguyên tắc khoa học, vừa phù hợp với truyền thống xã hội và các quy chuẩn quốc tế.

"Để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, vấn đề thể chế là then chốt. Vì sự phát triển đất nước vươn tới hùng cường, cần lựa chọn và nắm lấy khâu đột phá nhằm phát triển, đó chính là thể chế", TS Nhị Lê khẳng định.

TS Nhị Lê cũng nhấn mạnh rằng, đổi mới thể chế pháp luật không chỉ là yêu cầu của thực tiễn mà còn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phát huy toàn diện tiềm năng của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Xây dựng pháp luật: Chặt chẽ, khoa học, dân chủ nhưng phải linh hoạt - Ảnh 2.

TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Trong khi đó, theo GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hoạt động lập pháp phải thể hiện đầy đủ quyền và nguyện vọng của nhân dân. Các quy định pháp luật không chỉ cần rõ ràng mà còn cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, tránh quy định pháp luật quá chi tiết, dài dòng mà không thiết thực.

GS, TS Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ phạm vi và thẩm quyền lập pháp trong điều kiện mới, bảo đảm tính đồng bộ và liên kết trong hệ thống pháp luật.

Cùng quan điểm GS, TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc bảo đảm quyền của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật là yếu tố then chốt của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Còn GS, TS Trần Ngọc Đường cho rằng Quốc hội phải là cơ quan thực thi quyền lập pháp, song cần có sự ủy quyền linh hoạt cho Chính phủ trong một số trường hợp nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước