Sâm Ngọc Linh - loại dược liệu quý bậc nhất thế giới - từ khi được công nhận là sản phẩm quốc gia đã trở thành điểm nhấn phát triển kinh tế của người dân vùng núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam - Kon Tum.
Thế nhưng, lợi dụng loại cây quý hiếm này, nhiều đối tượng gian thương đã có đủ mọi chiêu trò tinh vi để rao bán các loại sâm giả. Trước tình trạng này, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thành lập một tổ công tác để ghi nhận thực trạng cũng như tìm ra biện pháp xử lý.
Tình trạng kinh doanh các sản phẩm giả mạo dán nhãn sâm Ngọc Linh đã xuất hiện từ nhiều năm nay tại các địa bàn như Quảng Nam, Kon Tum. Tuy nhiên, từ khi sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, những thủ đoạn của các gian thương lại càng tinh vi hơn, đem cả cây sâm giả vào trồng lẫn với khu vực được quy hoạch trồng sâm thật khiến cho các doanh nghiệp trồng sâm của Nhà nước dù chưa có sản phẩm bán ra thị trường đã lo mất giá.
Dù cả 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đều khẳng định chưa hề có sâm Ngọc Linh bán ra thị trường nhưng tình trạng buôn bán sâm giả tràn lan như hiện nay được cho là do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó quan trọng nhất là chưa có bộ TCVN để quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, từ đó khó xác định sâm thật, sâm giả để xử lý.
Để bảo vệ được thương hiệu quốc gia của cây sâm Ngọc Linh cũng như lợi ích của người tiêu dùng, đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp với các cơ quan trung ương sớm hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình kiểm định, xử phạt đối với việc kinh doanh sâm Ngọc Linh giả, đồng thời đưa ra một số giải pháp trước mắt.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã tịch thu, tiêu hủy gần 200 bình rượu có dán nhãn sâm Ngọc Linh với tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách là hơn 400 triệu đồng. Riêng tỉnh Quảng Nam đã rút giấy phép hoạt động của một cơ sở có hành vi sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh giả.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!