Sạt lở bờ biển, tình trạng xâm nhập mặn, nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã và đang là những vấn đề lớn đang tác động trực tiếp đến đời sống hàng triệu hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, đại diện Tổ chức hỗ trợ, phát triển Đức (GIZ) đã trình bày những giải pháp cơ bản tập trung vào 3 vấn đề này.
Cụ thể, khảo sát tại 53 điểm trên tổng chiều dài 480 km bờ biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, đại diện GIZ đã đưa ra những khuyến nghị như: Vùng bờ biển thuộc Bến Tre - Trà Vinh có thể sử dụng kè bằng túi cát, phục hồi rừng ngập mặn. Khu vực bờ Sóc Trăng- Trà Vinh nên sử dụng giải pháp kè chữ T và kè bằng túi cát. Riêng khu vực Cà Mau, Kiên Giang, sử dụng hỗn hợp kè chữ T và kè chắn sóng bằng bê tông để tạo bãi, phục hồi rừng.
Đối với giải pháp phát triển sản xuất vùng ngập mặn, sau khi nghiên cứu thực tế ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, các nhà khoa học đã đưa ra 5 mô hình sản xuất phù hợp gồm luân canh tôm lúa, nuôi tôm bán thâm canh, nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn và trồng lúa 2 vụ.
Riêng đối với tuyến thoát lũ An Giang- Kiên Giang, tổ chức này đề xuất nâng cấp 50 km đê và kè, 20 cống mới, 2 đập tràn thoát lũ trên các con sông dọc theo tỉnh lộ 943 và Cái Sắn để đảm bảo cung cấp nước cho 3 vụ lúa.
Dựa trên những khuyến nghị mà các nhà khoa học đề xuất, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp trình chính phủ. Nếu được phê duyệt, các dự án này sẽ được kêu gọi đầu tư và áp dụng vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!