Hiện không ít người dân Ấn Độ vẫn tiếp tục thói quen đi vệ sinh lộ thiên mà không tìm tới nhà vệ sinh công cộng. Chẳng hề ngại ngùng, cứ thế mà tự nhiên phóng uế hay đi vệ sinh ở đường tàu không phải điều gì xa lạ ở Ấn Độ. Tại quốc gia này, cứ chỗ nào vắng người là đều có thể trở thành nơi để người dân phóng uế. Rồi từ chỗ một vài người phóng uế, chân cầu, bờ sông… dần trở thành nhà vệ sinh công cộng, miễn phí, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.
Thực trạng nhức nhối này những tưởng đã phải được giải quyết thành công sau chiến dịch Dọn sạch Ấn Độ, nhằm cung cấp nhà vệ sinh 110 triệu nhà vệ sinh mới cho hơn 1,3 tỷ người dân, được khởi động từ năm 2014.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết Ấn Độ là quốc gia có số người đi vệ sinh ngoài trời cao nhất thế giới. Con số này vào khoảng 620 triệu người và tập trung chủ yếu tại các khu vực nông thôn.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Nhân đạo (RICE) phát hiện, tới năm 2018, có đến 44% người dân tại các bang phía Bắc Ấn Độ vẫn đi vệ sinh ngoài trời. Nguyên nhân một phần là vì thái độ của người dân cũng như thiếu sót trong chiến dịch khi mà nhà chức trách chú trọng nhiều vào số lượng nhà vệ sinh chứ chưa phải chất lượng của nhà vệ sinh.
Việc tiếp tục phóng uế bừa bãi là vấn nạn của Ấn Độ khi gây nên một chuỗi hệ quả đối với sức khỏe người dân. Theo UNICEF, ô nhiễm do chất thải của con người và điều kiện vệ sinh tồi tàn là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em, bệnh tật và suy dinh dưỡng tăng cao. Chưa kể phụ nữ và trẻ em tại Ấn dễ dàng bị tấn công tình dục vì thường đợi trời tối mới đi vệ sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!