Gần đây, tình trạng bán đất mặt ruộng diễn ra khá phổ biến ở các địa phương ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bến Tre. Do không trồng được lúa vụ 3 giữa hạn mặn khốc liệt nên hàng loạt nông dân ở một số huyện của tỉnh Bến Tre đã cào đất mặt ruộng để đi bán. Dù đã được ngành chức năng khuyến cáo về hệ lụy của việc làm này, tuy nhiên, vì nhu cầu trước mắt, nhiều người dân vẫn tiếp tục bán đất.
Dù biết nếu cào hết phần đất bề mặt ruộng để bán, sau ít tháng nữa, khi vào vụ, lúa sẽ khó mà phát triển được và năng suất sẽ thấp nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận lấy đất chở đi.
Theo người dân tại đây, sau khi cào hết lớp đất mặt, số tiền thu được từ bán đất trên mỗi công ruộng thu được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là với những khu ruộng thuận tiện cho việc vận chuyển, còn những khu ruộng ở xa đường giao thông thì chỉ đổi được vài bao phân, thậm chí phải cho đi, bởi cùng một dải ruộng, nếu bên lấy bên không, khi lấy nước vào ruộng, nơi cao sẽ khó giữ được nước, ngoài ra, dinh dưỡng sẽ chảy từ ruộng cao xuống ruộng thấp.
Theo tính toán của ngành chức năng, mỗi ha ruộng nếu mất đi lớp đất trên mặt cần bón ít nhất 20 tấn phân hữu cơ mới có thể khôi phục được dinh dưỡng cho đất. Chính vì vậy, việc người dân cào đất mặt ruộng đem bán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng vụ mùa tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!