Các đại dương và toàn bộ hệ sinh thái trên Trái đất hấp thụ khoảng 25% lượng khí thải hiện nay. Tờ Telegraph trích lời các nhà khoa học cho biết, việc cứu những con cá voi còn quan trọng hơn việc trồng cây để chống biến đổi khí hậu. Và họ có lý do để nói như vậy.
Mỗi con cá voi sinh sống trong đại dương đều là một "nhà máy" thu giữ carbon khổng lồ. Trong quá trình ăn động vật phù du, cá voi sẽ hấp thụ và giữ luôn khí CO2 trong cơ thể chúng mà không cần thải ra ngoài. Trung bình, mỗi con cá voi có tuổi thọ 90 năm. Các nhà khoa học ước tính rằng đến khi chết, một con cá voi có thể hấp thụ 30 tấn CO2. Theo đó, trung bình mỗi năm một con cá voi có thể hấp thụ 333kg khí CO2, trong khi một cây xanh chỉ hấp thụ tối đa được 21kg CO2.
Ngay cả khi chết đi, cá voi cũng sẽ giữ lượng khí CO2 này trong cơ thể và mang chúng xuống đáy đại dương. Sau nhiều thế kỷ, khi xác của chúng phân hủy, lượng khí CO2 này sẽ biến thành nguồn nhiên liệu hoá thạch như dầu mỏ.
Ngoài việc tự nạp vào cơ thể mình một lượng CO2 đáng kể, cá voi còn hỗ trợ các loài thực vật phù du phát triển, đóng góp ít nhất 50% lượng oxy cho bầu khí quyển Trái đất và thu lại lượng CO2 nhiều hơn cả 1,7 nghìn tỷ cây xanh cộng lại. Đó là một diện tích tương đương với 4 khu rừng Amazon.
Các nhà khoa học ước tính, giá trị của một con cá voi lên tới hơn 2 triệu USD, bao gồm giá trị Carbon được cô lập trong suốt cuộc đời của nó cũng như các đóng góp kinh tế khác như: thúc đẩy ngư nghiệp và du lịch sinh thái. Do đó, việc bảo vệ cá voi trước tình trạng săn bắt công nghiệp sẽ không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn có thể bảo vệ được thiên nhiên trước biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!