Theo lộ trình, từ năm nay, các đơn vị nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát vũ kịch… phải thực hiện tự chủ tài chính, trước mắt cắt giảm 30% ngân sách chi thường xuyên, chuyển sang đặt hàng tác phẩm để đến năm 2020 có thể tự chủ hoàn toàn.
Đứng trước yêu cầu này, Nhà hát Kịch Việt Nam mới đây đã kết hợp với một công ty du lịch để bán vé cho khán giả nước ngoài. Dù không phải là điều mới nhưng với những sân khấu lớn như Nhà hát Kịch Việt Nam hay Nhà hát Múa rối Thăng Long, đây là những dấu hiệu cho thấy, các đoàn nghệ thuật đã bắt đầu thay đổi để thu hút khán giả đến với sân khấu của mình.
Trong năm qua, việc đưa Chuyện nàng Kiều đến với các tour du lịch là một sự táo bạo và là một hướng đi mới của Nhà hát Kịch Việt Nam. Theo thỏa thuận hợp tác, nhà hát sẽ sáng đèn các đêm diễn vở Chuyện nàng Kiều vào tối thứ 6 hàng tuần và ưu tiên dành 60% vé xem kịch cho du khách nước ngoài của công ty du lịch.
Trong 5 đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội, chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long đã quen với việc xã hội hóa từ 15 năm trước. Hình ảnh từng đoàn khách nước ngoài đứng chờ để vào xem múa rối đã thành thông lệ. Gần 300 ghế liên tục kín chỗ với 4-5 vở diễn mỗi ngày. Thay vì chờ ngân sách 6-7 tỷ đồng của nhà nước, đến nay, mỗi năm, nhà hát thu về hơn 40 tỷ đồng.
Nhà hát Múa rối Thăng Long rất chú trọng đến khâu quảng bá giới thiệu hình ảnh như: phát tờ rơi, lịch biểu diễn; các nhân viên biết nói tiếng Anh; quảng cáo trên Internet.
Việc thay đổi không chỉ là chủ trương ở tầm vĩ mô về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch của Chính phủ, mà hơn hết là gắn liền với công việc của mỗi nghệ sỹ trong nhà hát. Đã đến lúc, những người làm nghệ thuật không chỉ đơn thuần làm sáng tạo mà con phải biết cách bán chào bán sản phẩm để thu hút khách du lịch, thay vì ngồi chờ khách đến như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!