Giả mạo VTV sản xuất phóng sự sai sự thật
Chỉ sau vài ngày đăng tải trên một trang Facebook, phóng sự được gắn mác VTV1 dài hơn 5 phút lan truyền trên mạng xã hội nói về một cơ sở đông y có bài thuốc chữa khỏi hoàn toàn các bệnh gút, xương khớp đã nhận được hơn 1,6 triệu lượt xem, hơn 4.000 bình luận và hàng chục nghìn lượt chia sẻ, nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Gắn logo VTV1, lại được thực hiện bởi một ê-kíp với đầy đủ các thành phần, không ít người tin tưởng rằng bài thuốc gia truyền chữa khỏi hoàn toàn các loại bệnh gút, xương khớp như chủ cơ sở khẳng định là có thật.
Tin tưởng vào bài thuốc thần kỳ này vì đã được VTV kiểm chứng, không ít người đã giới thiệu cho người thân, bạn bè đến mua mà không hề biết rằng phóng sự này không phải do ê-kíp của VTV thực hiện và cũng chưa từng được phát trên bất kỳ kênh sóng nào của Đài Truyền hình Việt Nam. Để tìm hiểu mục đích của việc làm này, phóng viên đã tìm đến đúng địa chỉ được giới thiệu trong phóng sự.
Khác với cảnh tấp nập người mua bán thuốc như được giới thiệu ở trong phóng sự khi phóng viên đến đây hầu như chẳng thấy khách có mặt ở cơ sở này. Ngay cả nhân viên y tế, nhân viên bốc thuốc cũng không có mặt. Chủ cơ sở được người nhà thông báo là đi vắng và hiện tại phóng viên vẫn chưa liên hệ được với người này.
Một người được giao nhiệm vụ bán thuốc cho khách cũng xác nhận phóng sự được ghi hình tại cơ sở này, tuy nhiên từ chối tiết lộ thông tin về ê-kíp thực hiện.
Tin vào phóng sự giả được dàn dựng như thật, ông Lâm Viết Tín cùng ông Thân lặn lội hàng chục km từ Gia Lâm đến Mỹ Đức để mua thuốc chữa xương khớp. Thế nhưng ngay sau khi được biết phóng sự này không phải do VTV thực hiện, toàn bộ số thuốc trị giá 3 triệu đồng được trả lại ngay cho cơ sở này.
Không may mắn như ông Tín và ông Thân, rất nhiều người đã đến đây mua thuốc với cái giá không hề rẻ bởi tin vào những lời quảng cáo. Theo lãnh đạo xã An Mỹ, chủ cơ sở thuốc đông y này là người ở nơi khác đến và từng nhiều lần bị chính quyền xử phạt vì không đảm bảo điều kiện hành nghề.
Chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên phần mềm dựng phim, cơ sở này đã phát tán những phóng sự gắn logo của VTV1, VTV8 giống y như thật mà nếu không phải người có chuyên môn thì rất khó phát hiện ra. Lợi dụng uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam, hàng nghìn thang thuốc đã được bán cho người bệnh mà chưa hề được bất cứ cơ quan y tế nào kiểm chứng xem thực sự có hiệu quả hay không.
Nhiều sai phạm tại phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường
Không chỉ giả mạo VTV, trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra, nhiều sai phạm của phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường cũng đã được hé lộ.
Chính quyền địa phương cho biết, phòng khám này do một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Dung - công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ - Hà Nội, đứng tên trên giấy phép nhưng lại cho Nguyễn Thị Hường điều hành hoạt động khám bệnh. Trong khi đó, Nguyễn Thị Hường chỉ có vai trò giúp việc trong phòng khám, không có chứng chỉ hành nghề khám chữa.
Năm 2016, phòng khám này đã từng bị Thanh tra và Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 13.350.000 đồng cũng cho 5 lỗi vi phạm: Không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; Không đảm bảo điều kiện về nhân lực; Biển hiệu chính của cơ sở ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; Sổ khám bệnh, chữa bệnh không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Quảng cáo dịch vụ đặc biệt - không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung...
Thủ đoạn lừa đảo bằng phóng sự giả mạo
Sau hàng loạt những sai phạm, phòng khám đông y Nguyễn Thị Hường tại huyện Mỹ Đức vừa bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, yêu cầu dỡ bỏ biển hiệu. Vậy còn những kẻ tiếp tay cho màn lừa đảo này là ai?
Cùng một kênh sóng, cùng một người dẫn chương trình nhưng lại có đến 2 tên khác nhau hay người dẫn tên thật là Việt Đức nhưng đã bị đổi thành Cao Trọng. Những MC này cho biết được công ty cổ phần Time today Việt Nam có địa chỉ tại Hà Đông - Hà Nội, thuê dẫn chương trình với giá 500.000 đồng/số. Công ty này đưa các MC đến cơ sở đông y Nguyễn Thị Hường để ghi hình với kịch bản được chuẩn bị trước. Thậm chí, một trường quay ảo còn được công ty này lắp đặt ngay phía trên tầng 2 của cơ sở khám chữa bệnh để tiện việc dàn dựng.
Người dẫn trong phóng sự mạo danh VTV1 cũng được công ty này trấn an rằng đã mua hợp đồng quảng cáo từ VTV, đến khi tự kiểm chứng và phát hiện đó không phải là sự thật thì phóng sự giả mạo đã bị phát tán khắp nơi.
Không chỉ giả mạo về thông tin người dẫn, ngay cả những bệnh nhân được phỏng vấn trong phóng sự cũng có những dấu hiệu bất thường.
Một người đàn ông được phỏng vấn trong phóng sự giả mạo giới thiệu tên Nguyễn Văn Nam, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang, thế nhưng kết quả điều tra của phóng viên VTV cho thấy, người này tên thật là Nguyễn Văn Giang, giáo viên âm nhạc tại trường Tiểu học Tân Ước, địa chỉ thường trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Khi tìm đến tận nhà bệnh nhân này xác minh thông tin thì người này cho rằng có lẽ ê-kíp thực hiện phóng sự đã có sự nhầm lẫn, dù sau khi phỏng vấn họ tên và địa chỉ đã được phóng viên ghi cẩn thận vào trong sổ tay.
Người này cũng khẳng định, nội dung trả lời phỏng vấn bệnh gút thuyên giảm như trong phóng sự là chính xác vì sau khi uống thuốc tại cơ sở Nguyễn Thị Hường đã đi khám lại tại Bệnh viện Quân y 103. Tuy nhiên khi được hỏi về các giấy tờ xét nghiệm lại toàn kết quả điện tâm đồ, điện não đồ và các đơn thuốc điều trị chứng rối loạn lo âu, không có bất cứ thông tin nào liên quan đến bệnh gút hay giảm chỉ số acid uric trong máu.
Phóng sự được dàn dựng một cách vụng về với vô số các thông tin sai sự thật. Thế nhưng vì gắn logo VTV1 nên vẫn thu hút được sự quan tâm của hàng triệu người. Ngay sau khi thủ đoạn này bị vạch trần, rất nhiều bệnh nhân từng mua thuốc ở cơ sở này đã phản hồi rằng tốn nhiều tiền mua thuốc mà không khỏi bệnh, thậm chí có người còn bị nặng hơn. Những phóng sự giả mạo gắn logo VTV cùng nhiều đài truyền hình khác cũng bị công ty time today Việt Nam gỡ bỏ một cách nhanh chóng.
Vạch trần công ty thực hiện phóng sự mạo danh VTV
Ngay sau khi phóng sự vạch trần thủ đoạn lừa đảo người bệnh được phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h, lãnh đạo công ty Time today Việt Nam - đơn vị đứng sau những màn dàn dựng phóng sự giả mạo VTV, đã đến Đài truyền hình Việt Nam nhận trách nhiệm, kèm theo 2 lá thư xin lỗi.
Dù thừa nhận đã giả mạo VTV, thực hiện các phóng sự sai sự thật cho phòng khám đông y Nguyễn Thị Hường với giá 6,5 triệu đồng. Thế nhưng trong buổi làm việc với phóng viên, lãnh đạo công ty này lại đổ hết trách nhiệm cho nhân viên và cho rằng chỉ vô tình vi phạm.
Có lẽ những nhân viên của công ty này mẫn cán đến mức vô tình lập ra cả một trang Facebook có tên TH-VTV1, đưa phóng sự giả mạo vào đó lồng ghép với các phóng sự thật của VTV. Thậm chí, còn trả lời các bình luận của khán giả với vai trò như của VTV. Trước đó, công ty này cũng dàn dựng một phóng sự khác về cơ sở đông y Mộc Nhân đường và gắn logo của VTV8. Thủ đoạn của cả một hệ thống, nhưng đến khi sự việc bị vạch trần thì mọi tội lỗi lại đổ lên đầu nhân viên.
Theo điều 267 Bộ Luật hình sự, tội giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng tài liệu đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Hiện Cục An ninh thông tin truyền thông - Bộ Công an, đã tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc và tiến hành làm rõ các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài những xử phạt đã có như trên theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì từ đầu năm 2019 Luật An ninh mạng được áp dụng những vi phạm như trên cũng sẽ bị xử phạt nặng. Đây cũng là lời cảnh báo cho nhiều đơn vị đang mạo danh VTV dưới nhiều hình thức khác nhau như biển quảng cáo, logo công ty, phương tiện di chuyển, phương tiện dụng cụ làm việc...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!