Vụ việc 7 người tử vong trong đêm nhạc ở Hồ Tây tối 16/9 vừa qua vẫn đang gây xôn xao dư luận về hiểm họa từ việc sử dụng chất kích thích tại các lễ hội âm nhạc. Đáng nói, đây không phải lần đầu. Trên thế giới, từng có rất nhiều vụ việc đau lòng như vậy xảy ra. Không chỉ sức khỏe, tính mạng mà còn rất nhiều những nguy hiểm khác rình rập giới trẻ phía sau những cuộc vui hết mình đó.
Cái chết của Georgia và một người bạn tại lễ hội âm nhạc ở thành phố Portsmouth, Anh hồi tháng 5 vừa qua đã gây rúng động dư luận nước này. Ngoài 2 thanh niên tử vong, 13 người khác cũng phải nhập viện. Nhân viên y tế xác định họ gặp hệ lụy do sử dụng chất kích thích.
Đầu tháng 8/2018, hai cô gái trẻ khi tham dự lễ hội âm nhạc Tomorowland ở tỉnh Antwerp, Bỉ, đã tử vong vì lý do tương tự. Sau đó, chỉ 2 tuần, 1 thanh niên tử vong và 2 người nhập viện vì dùng chất cấm tại lễ hội âm nhạc Britt diễn ra ở thành phố Jacksonville, bang Oregon, Mỹ.
Mới đây nhất, ngày 17/9, ít nhất 2 người tử vong cũng vì sốc thuốc, và 700 người khác cần trợ giúp y tế nghi do sử dụng ma túy.
Rất nhiều vụ việc như vậy xảy ra phổ biến tại các lễ hội náo nhiệt. Nhưng dù đồ uống có cồn và chất kích thích là nguy cơ đầu tiên, thứ đẩy nạn nhân nhanh đến cái chết là nhiệt độ cao và tình trạng mất nước.
Ngoài nguy hại sức khỏe, lạm dụng chất kích thích còn dẫn tới tình trạng người dùng mất kiểm soát hành vi, dễ dẫn đến các hệ lụy khác. Tất cả những hiểm họa đó, có xảy ra hay không, không phụ thuộc vào các hệ thống giám sát hay nhân viên an ninh mà phụ thuộc vào chính người tham dự.
Có lẽ, thứ mà các bạn trẻ cần nhận thức được mỗi khi tham gia các lễ hội âm nhạc là vui hết mình nhưng đừng vui đến mức mạo hiểm tính mạng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!