Các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái và nhiều tên tuổi khác của Mỹ thuật Việt Nam đã được đưa đến giới thiệu tại London bởi hai nhà nghiên cứu hội hoạ người Anh đó là bà Raquelle Azran và bà Louise Malcolm
Các sự kiện trưng bày và giới thiệu về hội hoạ Việt Nam đương đại đã được bà Raquelle Azran tổ chức gần như hàng năm, từ 2002 đến nay. Theo bà, điều khán giả phương Tây thích thú không chỉ nằm ở những bức tranh, mà còn là một lịch sử độc đáo và thăng trầm của cả một nền mỹ thuật.
Bà Raquelle Azran - Nhà nghiên cứu hội hoạ nói: "Tôi biết đến hội hoạ Việt Nam từ những năm 90. Ngay từ những lần đầu tới Việt Nam, tôi đã bị thu hút bởi các tác phẩm sử dụng những chất liệu độc đáo như sơn mài, tranh khắc gỗ, màu nước vẽ trên giấy dó. Khán giả luôn tỏ ra thích thú với những câu chuyện kể về trường Mỹ thuật Đông Dương, về những ảnh hưởng của nền hội hoạ phương Tây đến quá trình hình thành nền Mỹ thuật Việt Nam đương đại hay câu chuyện về các danh hoạ, về cách họ sử dụng những kỹ thuật mang phong cách châu Âu để thể hiện các chủ đề về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Với tôi, các bức tranh này giống như một sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật phương Tây và Á Đông".
Một lịch sử thăng trầm của đất nước nói chung và hội hoạ Việt Nam nói riêng đã đưa không ít tác phẩm nghệ thuật hội hoạ đến với các nhà sưu tầm phương Tây từ khá sớm. Các tác phẩm triển lãm ở London lần này vốn nằm trong bộ sưu tập cá nhân của một nhà sưu tầm hội hoạ người Thuỵ Sỹ. Việc tìm kiếm các bộ sưu tập, tổ chức các buổi giới thiệu, cũng giúp khán giả yêu hội hoạ ở phương Tây nói chung có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về một nền mỹ thuật có không ít nét tương đồng với hội hoạ châu Âu, cả về lịch sử và nghệ thuật.
Bà Louise Malcolm - Chuyên gia nghiên cứu Mỹ thuật Đông Dương nói: "Tranh của các danh hoạ Bùi Xuân Phái, hay Nguyễn Tư Nghiêm đã được biết đến ở Đông Nam Á nhưng ở phương Tây vẫn còn khá mới mẻ, chỉ những người sưu tầm mới biết đến. Tranh Việt Nam đang nằm ở rất nhiều bộ sưu tập cá nhân tại Pháp, tại Bắc Âu, hay tại Đông Nam Á. Tôi đang tìm kiếm và nghiên cứu các bộ sưu tập cá nhân này, hy vọng sẽ có cơ hội tập hợp và sẽ có một dịp đưa các tác phẩm về trưng bày và giới thiệu tới công chúng Việt Nam".
Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái hay các danh hoạ nổi tiếng từ trường Mỹ thuật Đông Dương được nhìn nhận không chỉ là những người bắc cây cầu nối văn hoá dân tộc giữa quá khứ đến hiện tại, mà còn phần nào khẳng định chỗ đứng một nền hội hoạ Việt Nam nói chung với đầy đủ sự trân trọng và những thích thú nghiên cứu tìm hiểu từ nhà phê bình cũng như khán giả phương Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!