Tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu các sở ngành liên quan triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn mặn. Đây là địa phương thứ 6 ở miền Tây Nam Bộ công bố tình huống khẩn cấp với mức độ rủi ro cấp 2, sau Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang và Cà Mau.
Còn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mùa khô năm nay dự báo sẽ diễn ra khá nghiêm trọng tại khu vực này. Với tình trạng nguồn nước như hiện nay, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước trên diện rộng, ở mức hạn vừa đến hạn nặng, thậm chí hạn hán cực đoan nếu xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài.
14/21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận đã cạn dưới mực nước chết. Sống bên những hồ nước cạn, để có nước sinh hoạt, người dân chỉ còn cách đi mua nước về dùng với giá đắt đỏ. Trong khi đó, nguồn nước thô, dùng để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân, chủ yếu được lấy từ đập Lâm Cấm, hạ du nhà máy thủy điện Đa Nhim, dẫn về nhà máy nước Tháp Chàm xử lý.
Những ngày gần đây, lưu lượng xả thấp khiến nước thô bị tù đọng, phát sinh rong, tảo, ngành cấp nước tỉnh phải rất vất vả để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.
Xác định việc đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân sử dụng trong mùa hạn là ưu tiên hàng đầu, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Công ty Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cân đối, điều tiết nguồn nước hợp lý từ các hồ về.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp cấp nước có đủ nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp sức trong vấn đề nước sạch.
Lãnh đạo tỉnh xác định, ngay cả trong những năm bình thường, Ninh Thuận vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước. Nếu không có sự đầu tư quyết liệt ở cả giải pháp công trình lẫn phi công trình, vấn đề nước sinh hoạt, sẽ càng trở nên bức bối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!