"Bom bão tuyết" khắc nghiệt nhất tại nước Mỹ trong nhiều thập kỷ trở lại đây. (Ảnh: Reuters)
Một trận bão bụi kinh hoàng vừa càn quét qua miền Bắc Ấn Độ đã khiến ít nhất 110 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Nguyên nhân của trận bão chết người trên được cho là do thời tiết nắng nóng lên đến 45oC tại miền Bắc Ấn Độ, cùng lượng mưa dưới mức trung bình kể cả trong mùa hè, khiến cho bụi và cát dễ bị gió mạnh cuộn xoáy.
Trên thực tế, không chỉ tại Ấn Độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã liên tục được ghi nhận từ đầu năm 2018. Nhiều chuyên gia cho rằng thời thời tiết cực đoan đây đã trở thành điều bình thường.
Trong tháng 1 vừa qua, hình ảnh người dân Trung Quốc phải quấn chăn khi ra đường đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Miền Bắc Trung Quốc đã trải qua mùa Đông khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận, khi nhiệt độ xuống thấp kỷ lục - 49,5oC, trong khi 90% diện tích nước này bị chìm trong nền nhiệt dưới 0oC. Hàng chục người đã thiệt mạng bởi các tai nạn do tuyết rơi dày.
Còn tại Mỹ, bão tuyết đầu năm cũng khiến nhiệt độ hạ thấp kỷ lục chỉ sau Nam Cực, - 68oC. Một số bang phải ban bố tình trạng khẩn cấp, với lượng tuyết trung bình lên đến 90cm.
Trong khi đó, ở bên kia bán cầu, Australia lại trải qua mùa Hè nóng chưa từng thấy trong hơn 80 năm. 5 triệu người dân Sydney phải sống trong cái nóng 47oC, cùng với đó là cháy rừng dữ dội tại nhiều bang ở khu vực phía Nam. Nắng nóng cũng khiến hàng nghìn con dơi chết, xác dơi la liệt khắp nơi. Cơ quan khí tượng của quốc gia này cho biết, nhiệt độ trung bình tại Australia đã tăng thêm 1oC trong vòng 1 thế kỷ.
Theo báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ là mỗi đe dọa nghiêm trọng nhất mà nhân loại phải đối mặt vào năm 2018. Rủi ro môi trường đã tăng mạnh trong 13 năm qua, kể từ khi WEF bắt đầu nghiên cứu rủi ro toàn cầu với nhiệt độ cực đoan, cháy rừng và bão khắc nghiệt liên tiếp xảy ra. Điều này cho thấy các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết với mỗi quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!