Theo bà Karen North, Giáo sư Truyền thông số trường Đại học Nam California, Mỹ, Facebook và cả người dùng đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Bởi nếu Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg không thỏa mãn được những câu hỏi chất vấn, các nhà lập pháp Mỹ có thể sẽ siết chặt hoạt động của Facebook.
Nội dung hàng đầu trong các cuộc điều trần tới đây là việc thông tin cá nhân của khoảng 87 triệu người dùng Facebook, phần lớn là ở Mỹ, có thể đã bị chia sẻ không phù hợp với Công ty Cambridge Analytica. Bên cạnh mối quan tâm của giới lập pháp Mỹ về khía cạnh pháp lý, vấn đề đặt ra đối với Facebook lúc này chính là lòng tin của người dùng đối với mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Cuối tuần trước, Facebook - mạng xã hội với 2,1 tỷ thành viên - cho biết sẽ thông báo cho những người dùng nào có thông tin cá nhân bị chia sẻ với Cambridge Analytica, đồng thời triển khai một loạt các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân người dùng.
Không thể phủ nhận những lợi ích do Facebook đã đem lại, song người dùng cũng khó có thể bỏ qua khi những thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ và sử dụng vào những mục đích không được biết đến. Chưa rõ hệ quả pháp lý sau cuộc điều trần tới đây sẽ ra sao, song rõ ràng Facebook đã và cần phải nỗ lực nhiều hơn để lấy lại lòng tin của những người đã góp phần đưa Facebook trở thành gã khổng lồ hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!