Người Việt đã không còn là những người tiết kiệm nhất thế giới. Đây là công bố vừa được đưa ra từ Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người dân dành tiền tiết kiệm giảm từ 79% năm 2016 xuống mức 63% năm nay, xếp sau nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Indonesia. Vậy người tiêu dùng Việt đang tiêu tiền như thế nào?
Đặt mục tiêu mỗi năm đi đến ít nhất 2 vùng đất mới, du lịch chính là khoản chi không nhỏ mà anh Lưu Xuân Phúc - một Kỹ thuật viên răng thẩm mỹ - sẵn sàng bỏ ra, ngoài các chi phí sinh hoạt thiết yếu khác.
Nếu năm 2016, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Hà Nội) luôn dành 10% thu nhập để cất đi thì năm nay, chị bỏ hẳn mục tiêu này. Chị chỉ tiết kiệm khi nào có khoản lớn, còn lại chi nhiều hơn cho việc giải trí.
Theo nghiên cứu của Nielsen, trong Quý II, thay vì xu hướng bỏ két tiết kiệm như năm trước, 1/3 số người được hỏi đều cho biết, ngoài phí sinh hoạt hàng ngày, họ tích tiền để đi du lịch, giải trí, mua sắm quần áo hoặc sắm đồ công nghệ mới.
Ông Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia truyền thông - nhận định: "Điều này chứng tỏ họ lạc quan với số tiền họ có thể kiếm được trong 6 tháng hay 1 năm nữa. Trong thời gian tới, xu hướng sẽ chi tiêu nhiều để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân như giải trí hay nâng cao giáo dục. Chắc chắn cũng là cơ hội cho các nhãn hàng chăm sóc sức khỏe như spa, mỹ phẩm chất lượng hay thực phẩm sạch phát triển".
Cũng báo cáo của Nielsen, lần đầu tiên ghi nhận có tới 23% người Việt chi tiền để mua bảo hiểm y tế cao cấp. Đây vừa là chi tiêu nhưng lại cũng có thể coi là một cách tiết kiệm, nhưng tiết kiệm không có nghĩa chỉ là bỏ tiền vào lợn như trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!