Tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra tại các tuyến cao tốc ở khu vực phía Nam. Có một nghịch lý là trong khi cả nước có gần 1.000 km đường cao tốc thì TP.HCM và các tỉnh phía Nam hiện có chưa đầy 100km, tức chỉ bằng 1/10. Trong khi đây là khu vực kinh tế trọng điểm.
Khu vực Đông Nam Bộ, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên quá tải. Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, sau nhiều năm thi công, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang đối diện nguy cơ phá sản.
Mới đây, Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam đã báo cáo Chính phủ cho tạm dừng xây dựng cao tốc này tới khi có vốn để tránh phát sinh các rủi ro pháp lý.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu các tuyến đường ở Đông Nam Bộ gặp khó khăn, cấp bách một, thì hướng kết nối từ TP.HCM đi Đồng bằng sông Cửu Long còn cần thiết hơn nhiều.
Đồng bằng sông Cửu Long có 21 triệu dân, sản xuất 50% sản lượng lương thực, đóng góp 20% GDP cả nước. TP.HCM, đầu tàu kinh tế, có 13 triệu dân, đóng góp khoảng 23% GDP cả nước.
Đến nay, hai khu vực này chủ yếu được kết nối qua Quốc lộ 1A. Tuyến đường đã quá tải vượt dự báo từ 10 năm nay. Tai nạn, kẹt xe thường xuyên xảy ra.
Cao tốc TP.HCM - Cần Thơ là nỗi khát khao kết nối của hàng chục triệu người dân phía Nam, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 40km. 2/3 còn lại vẫn dở dang.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là đoạn đầu tiên của dự án cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, kết nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến cao tốc này đã được đưa vào khai thác 10 năm nay, nhưng kể từ đầu năm 2019, tuyến cao tốc này tạm dừng thu phí do hết hợp đồng, cộng với những bê bối vướng vòng lao lý của đơn vị trúng thầu trước đó. Hậu quả là không được quản lý tốt, không được bảo hành sửa chữa nâng cấp, khiến hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, giao thông lộn xộn, mất an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!