Những cuốn bọc vở nylon đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh bởi sự tiện lợi thế nhưng, năm nay, những cuốn bọc vở ấy sẽ dần giảm sự xuất hiện cùng với làn sóng học sinh nói không với bọc vở nylon, trường học nói không với rác thải nhựa đang hiện hữu mạnh mẽ trước ngày khai giảng năm học mới.
Nếu như 1 học sinh trong 1 năm học dùng 30-50 bọc vở nylon thì tính trên phạm vi toàn quốc, với 23,5 triệu học sinh, sinh viên thì số bọc vở nylon hàng năm lên tới hàng trăm triệu. Đây là những con số ấn tượng được các em học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội tính toán trong dự án "Nói không với bọc vở nylon".
Từ đó, các em đề xuất, thay vì bọc vở nylon, các bạn học sinh có thể bọc vở bằng giấy, bìa có họa tiết trang trí hoặc để nguyên bìa nếu đủ cứng; đồng thời tuyên truyền cho mọi người biết để cùng nhau giảm thiểu túi nyon, rác thải nhựa ra môi trường, vì một môi trường xanh- sạch-đẹp.
Một tín hiệu đáng mừng là những ý tưởng, sáng kiến bảo vệ môi trường không nhất thiết phải bắt đầu từ người lớn. Nó có thể bắt đầu từ chính các em nhỏ. Ta cũng thấy tín hiệu đáng mừng này ngay trong bức thư của một cô bé chuẩn bị bước vào lớp 6 tại Hà Nội - em Nguyễn Nguyệt Linh gửi tới 40 trường học với mong ước không thả bóng bay trong ngày khai giảng, bức thư đã chạm tới mong muốn tốt đẹp của tất cả mọi người.
Trong thư, Nguyệt Linh viết, thả bóng lên trời, bay cao ước mơ của học sinh nhưng hành động ấy lại giết chết ước mơ của bao chú chim và rùa biển. Đó là những suy nghĩ khiến nhiều người phải giật mình được Nguyệt Linh viết trong một bức thư gửi tới 40 trường khác nhau. Lễ khai giảng năm học này có thể sẽ vắng bóng nhiều chùm bóng bay sắc màu, nhưng không vì thế mà thiếu đi niềm vui, nụ cười. Các học sinh sẽ nhận lại bài học ý nghĩa về bảo vệ môi trường từ những hành động tưởng chừng như nhỏ nhất.
Nhật Linh đã tìm hiểu và biết rằng, bóng bay cũng là một loại rác thải khiến động vật nuốt phải, sẽ bị chặn đường ruột và nếu tìm hiểu thêm về Linh sẽ thấy rằng bức thư kêu gọi "không thả bóng bay" không phải là suy nghĩ bộc phát.
Đến nay, đã có 100% trường tiểu học cam kết với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không sử dụng bóng bay trong dịp khai giảng như mọi năm. Không những ở bậc tiểu học, ở bậc mầm non, nhiều trường học cũng cam kết thực hiện.
Không bóng bay trong ngày khai trường, mang chai nước đến lớp thay vì dùng cốc một lần… những phong trào nói không với rác thải nhựa của các em học sinh tiểu học đang được triển khai rộng khắp. Từ sự chủ động thay đổi hành vi của các em đã kéo theo sự thay đổi hành vi của những người lớn xung quanh.
Năm nay, vừa bắt đầu năm học, những em học sinh đã được cùng chung tay tham gia những trào lưu rất "hot" mà theo các em là thời thượng đó là sáng tạo bọc sách vở kiểu mới nói không với nylon và khai giảng không thả bóng bay để thả tình yêu đến môi trường.
Một năm học mới lại bắt đầu, một năm học sẽ thật đặc biệt khi chính những đại sứ của môi trường này sẽ tạo ra những trào lưu "thời thượng" để thay đổi chính thói quen xấu của người lớn xung quanh, khi các em biết nói không với rác thải nhựa.
Không chỉ tại Hà Nội, lớp học không rác, trường học không rác đó là mục tiêu mà tất cả trường học trên địa bàn TPHCM hướng tới trong năm học mới này. Thay vì tuyên truyền suông, nhiều trường đã biến khẩu hiệu nói không với rác thải nhựa thành những buổi sinh hoạt ngoại khóa. Bài học sẽ được nhắc lại tại lớp học để đảm bảo tất cả các con đều được tham gia thực hành.
Lớp học không rác thải nhựa cũng là tiêu chí thi đua mà trường đặt ra cho năm học mới này. Không chỉ học sinh, mỗi giáo viên cũng phải thay đổi thói quen để xây dựng trường học xanh. Thay vì sử dụng chai nhựa, từ năm học này, tại các phòng họp tại các trường thay thế bằng bình thủy tinh. Nhưng vật dụng cá nhân cũng được khuyến khích vật liệu thân thiện với môi trường. Chiến dịch xanh này được duy trì trong suốt cả năm học, mục tiêu xây dựng nhà trường đạt yêu cầu "Văn minh, an toàn và xanh - sạch - đẹp".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!