Điểm chung của các ca có diễn tiến nặng là người trên 60 tuổi, có các bệnh lý mãn tính. Còn ca phi công người Anh có liên quan đến yếu tố béo phì, hệ miễn dịch yếu.
SARS-CoV-2 khi vào cơ thể thông qua giọt bắn chứa siêu vi, từ những người mắc bệnh, virus sinh sôi tại niêm mạc đường hô hấp, mượn chính tế bào đường hô hấp để tăng nhanh về số lượng. Siêu vi sẽ tấn công vào các phế nang của phổi, gây ra hiện tượng viêm.
Thông thường, khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ huy động một đội quân bao gồm các bạch cầu, tế bào lympho T và B cũng như các hoạt chất trung gian Cytokin đến để bao vây tiêu diệt virus. Hệ miễn dịch đủ mạnh sẽ chiến thắng virus và hồi phục. Tuy nhiên, với người có hệ miễn dịch yếu, hệ miễn dịch huy động lớn đội quân tiêu diệt virus dẫn đến gây ra cơn bão Cytokin.
Cytokin tự thân là một chất rất quan trọng để tiêu diệt virus nhưng nếu nó sản xuất ra quá lớn, nó có thể quay ngược lại tấn công các tạng phủ của cơ thể. Cơ thể bị virus tấn công gây tổn thương phổi gây suy giảm chức năng hô hấp nghiêm trọng nên cần sử dụng máy thở.
Nếu diễn tiến càng nặng mà bệnh nhân không thể đáp ứng với máy thở, các bác sĩ sẽ cho can thiệp Ecmo tim phổi nhân tạo để phổi tạm nghỉ ngơi và được điều trị để hồi phục. Cùng lúc này, khi cơ thể bị cơn bão Cytokin gây ra suy đa cơ quan, các y bác sĩ sẽ phải phối hợp cùng lúc nhiều chuyên khoa để cứu bệnh nhân. Như vậy, nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong vẫn còn đó với các bệnh nhân khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
23/4 cũng là ngày bắt đầu nới lõng giãn cách xã hội trong cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm, mọi người vẫn không nên chủ quan. Lúc này, việc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh không chỉ bảo vệ bản thân mà trên hết còn là bảo vệ những người có yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng như người già trên 60 tuổi, người có bệnh nền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!