Trong năm 2016, 130 gia đình tại Nga mất con vì trò chơi tử thần "Thử thách cá voi xanh". Nếu tính gộp cả nạn nhân ở những quốc gia khác, con số người thiệt mạng vì trò chơi này là 160.
Vậy, bản chất của "Thử thách cá voi xanh" là gì mà lại có thể lôi kéo và thao túng người chơi tự kết liễu đời mình như vậy?
"Thử thách cá voi xanh" giống như một trò chơi bài bản với các nội dung mức độ từ dễ đến khó, được thực hiện trong 50 ngày như thức dậy lúc 4h20; Nói lời ghét bỏ người khác; Xem phim kinh dị lúc nửa đêm; Bước kế tiếp là công khai tình trạng của mình trên mạng xã hội với hashtag #imawhale (tôi là một con vá voi).
Những ngày tiếp theo, tần suất thực hiện thử thách sẽ tăng dần, chẳng hạn xem phim kinh dị cả ngày, nghe những file nhạc do quản trị viên của trò chơi gửi. Độ khó cũng tăng thêm, với các hành động tự làm tổn thương bản thân, như lấy vặt nhọn khắc chữ lên tay, đâm kim vào da. Trò chơi này còn cho người tham gia tương tác với nhau để tạo thêm "động lực" thực hiện thử thách.
Đến giai đoạn này, tư tưởng tự sát bắt đầu được tiêm nhiễm mạnh hơn cho người tham gia, như gợi ý họ thử ngồi trên mái nhà, thành cầu, hay đường ray tàu hỏa. Từ ngày 30 đến ngày 49 là giai đoạn nước rút của thử thách. Người tham gia sẽ phải thực hiện liên tục các hành vi tự làm tổn thương bản thân. Tất cả là để chuẩn bị cho ngày 50 - ngày cuối cùng. Họ sẽ nhận được thông báo về thời gian và cách thức tự tử. Nhưng trước khi làm việc đó, họ sẽ phải đăng một bức ảnh lên mạng xã hội, kèm theo nội dung "Kết thúc", kết thúc trò chơi lẫn mạng sống của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!