Anh sinh viên 26 tuổi Kim Jae-hoon bắt đầu một ngày làm việc vất vả bằng công đoạn chuẩn bị hộp cơm trưa, một công việc tẻ nhạt vì chỉ có cơm và trứng, nửa củ hành cùng nước trộn. Tất cả diễn ra trong một căn bếp dùng chung.
Sau đó, Kim ăn bữa sáng trong phòng rộng chỉ 6,6 mét vuông, ngay cạnh nhà vệ sinh, giá thuê là 250.000 Won/tháng - tương đương gần 5 triệu đồng Việt Nam.
Căn phòng của Kim ở trong khu được gọi là 'goshi-won' ngay gần trường. Trước đây, sinh viên chỉ ở đây trong thời kỳ tập trung ôn thi vào các cơ quan nhà nước. Nhưng nay khu này dần trở thành nơi ở của những thanh niên tự xưng là "những chiếc thìa đất".
Ở Hàn Quốc, khái niệm "thìa đất" được sử dụng để chỉ con cái của những gia đình thu nhập thấp, không còn hy vọng cải thiện địa vị xã hội; ngược lại thì có khái niệm "thìa vàng", là để chỉ con cái của những gia đình giầu có. Với nhiều chiếc "thìa đất" đang cố vượt khó, những chiếc "thìa vàng" luôn ở tốp đầu là do sự hỗ trợ của địa vị và khối tài sản của gia đình.
Theo một thăm dò tiến hành hồi tháng 9, ¾ người Hàn Quốc được hỏi cho rằng thân thế của cha mẹ là chìa khóa thành công cho con cái. Thậm chí, bộ phim "Ký sinh trùng" nổi tiếng của Hàn Quốc thời gian gần đây cũng là làm về hai gia đình ở hai cực của xã hội Hàn Quốc.
Theo ông Choi Sung-gyu - chủ cửa hàng trang sức, TP. Seoul - Hàn Quốc: "Người ta không thích những người khá giả chỉ vì sinh ra trong gia đình giầu có. Thế rồi ai đó trong ngành trang sức chế ra chiếc thìa vàng thật này. Từ đó thì thìa vàng lại thành ra món quà đầy năm cho trẻ em bán rất chạy".
Không thích những người "thìa vàng" nhưng lại thích tặng và được tặng thìa vàng, rõ ràng thực tế chênh lệch tới 5 lần rưỡi giữa nhóm thu nhập thấp nhất và cao nhất đang khiến những người kém may mắn ở Hàn Quốc mơ ước mạnh hơn bao giờ hết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!