Tấn công mạng - Hiểm họa an ninh mới trên toàn cầu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 19/05/2017 14:58 GMT+7

VTV.vn - Những vụ tấn công mạng quy mô lớn như mã độc tống tiền WannaCry vừa xảy ra gần đây, được xem là hiểm họa an ninh toàn cầu.

Gần đây, vụ tấn công mạng bằng mã độc WannaCry được xem là vụ tấn công "chưa từng có trong lịch sử". WannaCry đã gây ảnh hưởng đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là 1 trong những quốc gia trong phạm vi tấn công của WannaCry, với hơn 1.900 máy tính của các cá nhân và tổ chức bị lây nhiễm.

WannaCry là loại mã độc tấn công tống tiền. Phương thức hoạt động của WannaCry là khóa dữ liệu của máy tính bị nhiễm, sau đó yêu cầu người dùng trả tiền chuộc thông qua Bitcoin, để mở khóa dữ liệu. Tin tặc đe dọa rằng, trong 7 ngày, nếu nạn nhân không trả tiền, dữ liệu sẽ bị xóa.

Tấn công mạng ngày càng phổ biến, bởi đây là cả một kho báu. Các chuyên gia ước tính, mỗi năm, nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 445 tỷ USD do tin tặc. Giá trị từ các hoạt động tội phạm mạng, đã vượt qua nhiều hình thức phi pháp phổ biến khác, bao gồm cả buôn bán ma túy.

Tội phạm mạng đã trở thành một "ngành công nghiệp toàn cầu" nở rộ, gây tổn hại đến nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Tại các nước phát triển, từ 60 - 80% người trưởng thành có sở hữu một chiếc máy tính và hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều lưu trữ dữ liệu qua các hệ thống điện tử. Đây là nền tảng cho sự phát triển chóng mặt của tội phạm mạng, chỉ trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Các chuyên gia cho biết, 2 nguy cơ nghiêm trọng nhất từ tội phạm mạng là ăn trộm bản quyền sở hữu trí tuệ từ doanh nghiệp và đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Tại Mỹ và châu Âu, mỗi ngày có tới hơn 1,5 triệu người trở thành nạn nhân của một trong nhiều hình thức phá hoại hoặc đe doạ của tin tặc.

Mỗi năm có hàng chục triệu đường link chứa virus được gửi đi, và trung bình các tin tặc chỉ mất 3 giây để giải mã dữ liệu cá nhân của một người bình thường. Ước tính, việc kinh doanh hộ chiếu và bằng lái xe giả nhờ sử dụng những thông tin này có thể mang đến thu nhập tới 22.000 USD/tháng cho các hacker chuyên nghiệp. Trên chợ đen, mỗi tài khoản ngân hàng chứa trên 80.000 USD có thể được bán với giá 700 USD.

Ở tầm vĩ mô, các nền kinh tế khổng lồ trên thế giới cũng là những "nạn nhân" lớn nhất của tội phạm mạng. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức đối mặt với tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD, cùng hơn 350.000 việc làm bị mất đi mỗi năm, chỉ từ các hành vi của tội phạm mạng.

Lý do cuối cùng đưa tội phạm mạng trở thành vấn đề toàn cầu là sự phối hợp thiếu chặt chẽ trong việc triển khai những chiến dịch triệt phá các đường dây tin tặc, khi mỗi quốc gia lại có những quy định an ninh mạng riêng. Xu hướng yêu cầu người bị hại trả tiền qua Bitcoin cũng cho thấy tội phạm mạng đang có gắng thao túng đồng tiền này, biến đây là công cụ để che giấu các hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những tổ chức bị tin tặc tấn công nhưng không trình báo với cơ quan chức năng, và nhiều chính phủ không chủ động thu thập các thông tin về vấn đề này. Chính vì thế, các chuyên gia nhận định, con số 445 tỷ USD thiệt hại mỗi năm có thể vẫn còn thấp hơn so với thực tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước