Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, các tổ chức quốc tế và trong nước đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Đông Nam Bộ, kết quả dù khác nhau song đều cho thấy xu hướng sụt lún đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Từ vài điểm nhỏ trên địa bàn bị biến dạng sụt lún, sau 20 năm thì tình trạng sụt mặt đất đã lan rộng khắp thành phố, tác động xấu đến cơ sở vật chất và đời sống của người dân.
Không khó để lấy ví dụ minh họa về sự sụt lún của Thành phố Hồ Chí Minh. Đường Nguyễn Hữu Cảnh khi đưa vào sử dụng được một năm, tức là năm 2013, UBND TP.HCM đã nhờ Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Công an kiểm định chất lượng con đường này. Quá trình kiểm định cho thấy, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún từ 5cm - 1m. Trải qua nhiều lần cải tạo sửa chữa thì đường Nguyễn Hữu Cảnh không những chưa thể khắc phục được tình trạng lún nứt mà còn tái diễn cảnh cứ mưa là ngập.
Những con hẻm được mệnh danh là hẻm lún, những bức tường xiêu vẹo, với phần móng bị xé toạc, nhấc bổng khỏi mặt đất, hay những phần đất hở hàm ếch cả trong nhà lẫn ngoài ngõ không thiếu ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chung sống nhiều năm với cảnh tường nứt, nhà nghiêng, người dân dường như đã quá quen thuộc.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình là 4cm/năm, cá biệt có nơi đến 6,7 cm/năm. Ngoài việc do xây dựng công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông, việc sụt lún ở Thành phố Hồ Chí Minh có nguyên nhân rất lớn từ việc khai thác nước ngầm.
Nếu không có biện pháp quản lý việc khai thác nước ngầm kịp thời, nhằm giảm thiểu sụt lún, TP.HCM rất có thể sẽ là đô thị ngập không lối thoát.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở TN&MT TP.HCM cho biết: "Khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguồn nước ngầm bị sụt giảm, làm thay đổi cấu trúc địa chất".
Hiện nay, tổng lượng khai thác nước ngầm trên toàn TP.HCM là 710.000 m3/ngày, trong đó 355.000 m3/ngày là do các hộ khai thác đơn lẻ, các đơn vị, doanh nghiệp khai thác 225.000 m3/ngày, còn lại là Tổng công ty cấp nước Sài Gòn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!