Tình hình càng khó khăn hơn khi Luật Giáo dục 2019 quy định tới năm 2020, giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học. Thiếu nguồn tuyển, nhiều trường đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Với 3 dãy giảng đường chính, khu vực nhà hiệu bộ, đa chức năng, trường Cao đẳng Sư phạm Quảng trị có thể đáp ứng việc học cho hơn 3.000 sinh viên. Thế nhưng, hiện chỉ có khoảng 200 sinh viên chính quy theo học. Báo động hơn, năm học này trường chỉ tuyển sinh được hơn 40 sinh viên. Một số ngành chỉ tuyển được từ 1 - 2 sinh viên. Không đủ để mở lớp, nhà trường phải gửi các em đến trường cao đẳng khác.
Cũng là 1 trong 33 trường Cao đẳng Sư phạm còn tồn tại được đến ngày nay, trong khi các trường khác hoặc đã giải thể, hoặc đã sáp nhập, tuy nhiên, tương lai của trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên vẫn là một điều khó đoán định. Để giải bài toán việc làm cho giảng viên dôi dư do thiếu sinh viên, nhà trường cũng phải xoay xỏa đủ cách. Hy vọng lớn nhất hiện nay là đội ngũ này được tham gia vào công tác bồi dưỡng giáo viên cho chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Hiện đội ngũ giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cũng đang được đánh giá rất mạnh, trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm đến 97%. Thiếu sinh viên, lãng phí về điều kiện cơ sở vật chất là điều dễ thấy nhưng đáng tiếc nhất là lãng phí chất xám của đội ngũ trí thức.
Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị hay Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên chỉ là 2 mảnh ghép trong bức tranh chung về tình hình khó khăn của các trường đại học sư phạm trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!